Vĩnh Phúc xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”

NDO - Ngày 28/12, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn hóa thôn Phúc Lập Trong, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường có hơn 300 chỗ ngồi.
Nhà văn hóa thôn Phúc Lập Trong, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường có hơn 300 chỗ ngồi.

“Làng văn hóa kiểu mẫu” là sáng kiến của tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm mục tiêu hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua danh mục các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hệ thống chính trị…

“Làng văn hóa kiểu mẫu” sẽ có nhà văn hóa quy mô 100 chỗ ngồi, hơn 150 chỗ ngồi và hơn 200 chỗ ngồi, tùy thuộc vào tình hình thực tế của các làng. Trường hợp nhà văn hóa được cải tạo, nâng cấp, địa phương sẽ tập trung sửa chữa, nâng cấp sân nhà văn hóa, khu cây xanh, vườn dạo, vườn hoa và khu thể dục thể thao, bãi đỗ xe, điểm tập kết hàng hóa.

Theo tiến độ, trong tháng 1/2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” sẽ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân; giới thiệu, cung cấp mẫu thiết chế văn hóa, thể thao, mẫu kiến trúc cảnh quan. Đồng thời, cấp có thẩm quyền sẽ phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đo vẽ, trình chấp thuận địa điểm, mặt bằng xây dựng, thẩm định, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư; đề xuất, thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tổ chức thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” từ tháng 4/2023.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo điểm nhấn về kinh tế, văn hóa của các địa phương. Đồng chí giao các cơ quan tham mưu xây dựng các chính sách cụ thể, hướng dẫn mô hình hoạt động của cấp ủy và hệ thống chính trị ở thôn, làng văn hóa kiểu mẫu.

Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” của Vĩnh Phúc nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 12/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó yêu cầu tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho văn hóa, tập trung nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; phấn đấu đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm; phấn đấu dành từ 8-10% trên tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh cho đầu tư phát triển văn hóa.