NDĐT- Sáng 18-9, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổng kết 20 năm phong trào xây dựng làng văn hoá (1989 – 2009) và biểu dương các làng văn hoá tiêu biểu.
Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi với dân số 1,1 triệu người, gồm 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 70%, còn lại là các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Cao Lan, Sán Chí, Mông, Hoa.
Trong 20 năm qua, công tác xây dựng làng bản văn hoá của tỉnh Thái Nguyên đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng. Nếu như trong giai đoạn 1989- 1992 chỉ có 14 làng, khu phố đạt văn hoá, thì đến hết năm 2008 đã có 1.105/3024 làng bản được công nhận làng văn hoá.
Điểm nổi bật trong công tác xây dựng làng bản văn hoá của Thái Nguyên là truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau xoá đói giảm nghèo, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Chú trọng xây dựng môi trường văn hoá, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá thông qua việc sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội xuống đồng, lễ hội Óoc Pò, lễ hội cầu mùa, hát Xình ca, hát Sọng cô và các lễ cấp sắc của người Dao, người Sán Dìu...
Ghi nhận những nỗ lực của các làng văn hoá trong thời gian qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tặng Bằng khen cho 49 làng có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng làng văn hoá giai đoạn 1989 – 2009.
Phương Cường