Vĩnh Phúc tìm cách giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần

NDO - Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Vĩnh Phúc, số người lao động đến cơ quan BHXH nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH 1 lần có chiều hướng gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
BHXH Vĩnh Phúc ra quân tuyên truyền về lợi ích tham gia BHXH.
BHXH Vĩnh Phúc ra quân tuyên truyền về lợi ích tham gia BHXH.

Cụ thể, năm 2019 cơ quan BHXH đã giải quyết và chi trả cho 7.692 người với số tiền 194,1 tỷ đồng; năm 2020 con số này tương ứng là 7.241 người với 230,3 tỷ đồng; năm 2021 là 7.959 người với 277,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2022, BHXH đã giải quyết và chi trả cho 4.340 người với số tiền 132,3 tỷ đồng, tăng 394 người so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, mỗi năm tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 7.000 người đề nghị hưởng BHXH 1 lần (tức là tự động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội).

Phó giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Duy Phương cho biết: Trong số những người lao động được cơ quan BHXH giải quyết hưởng BHXH 1 lần, có nhiều trường hợp tuổi đời còn rất trẻ, sau khi hưởng BHXH một lần lại tiếp tục đi làm và tham gia BHXH ở đơn vị mới. Có trường hợp tham gia BHXH chưa được 1 năm. Đặc biệt có những trường hợp người lao động đã hơn 40 tuổi, thời gian đóng BHXH được hơn 18, 19 năm nhưng vẫn đề nghị được hưởng BHXH 1 lần.

Mặc dù đã được cán bộ BHXH giải thích về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia BHXH cũng như việc bảo lưu, tích lũy thời gian tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, nhiều người vẫn nêu nhiều lý do để từ chối được bảo lưu, tích lũy thời gian tham gia BHXH, như hoàn cảnh gia đình khó khăn, ra nước ngoài làm việc, cần tiền đóng học cho con, cần tiền để đầu tư kinh doanh, cần tiền để chữa bệnh...

Có trường hợp sau khi được cơ quan BHXH ban hành quyết định hưởng BHXH một lần, họ lại đề nghị cơ quan BHXH hủy quyết định hưởng BHXH một lần để bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc tiếp tục tham gia BHXH.

Nguyên nhân khách quan được cho là những quy định về hưởng BHXH 1 lần khá thông thoáng và thuận lợi, nên số người thụ hưởng chính sách liên tục tăng cao, đặt ra nhiều thách thức trong việc mở rộng độ bao phủ BHXH và không bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Việc người lao động nhận BHXH 1 lần, tự mình rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm an sinh xã hội ở tầm vĩ mô.

Để hạn chế số người lao động nhận BHXH 1 lần, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng và hiểu đầy đủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT).

Trong đó nêu rõ chính sách BHXH, BHYT là hai chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân; so sánh, làm rõ những ưu điểm vượt trội của việc tham gia BHXH để hưởng lương hưu với tham gia bảo hiểm thương mại hoặc gửi tiền tiết kiệm.

Cán bộ BHXH cũng phân tích cho người dân hiểu 5 thiệt thòi khi nhận BHXH 1 lần, đó là: Khi nhận BHXH 1 lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có điều kiện vật chất bảo đảm cho ổn định cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội; Mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hưởng lương hưu; Nhận lại số tiền BHXH một lần thấp hơn so với tiền đóng vào; Thân nhân người lao động sẽ mất đi chế độ tử tuất như tiền mai táng phí, trợ cấp tuất một lần; Nếu tiếp tục quay lại tham gia BHXH, người lao động sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó.

Bên cạnh đó, người lao động còn bị mất đi khoản tiền tăng thêm do điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế hàng năm.

BHXH Vĩnh Phúc đã tổ chức các đợt truyền thông cao điểm để tuyên truyền sâu rộng trong toàn tỉnh, tổ chức các nhóm nhỏ đi tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình, truyền thông tại bộ phận “một cửa” của cơ quan BHXH… Đồng thời, tham mưu với Hội đồng nhân dân tỉnh đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tiếp tục rà soát danh sách người tham gia BHXH.