Vĩnh Phúc thông qua các tiêu chí và chính sách xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu

NDO - Để triển khai sáng kiến “Làng văn hóa kiểu mẫu”, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành khung khổ pháp lý cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, hạ tầng, cảnh quan, các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của 30 làng được chọn làm thí điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Sáng 21/5, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức quán triệt và triển khai các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Các đại biểu được phổ biến những nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 08 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu và Nghị quyết số 06 Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Vĩnh Phúc thông qua các tiêu chí và chính sách xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ảnh 1

Đại diện người dân phát biểu cam kết thực hiện chủ trương của tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh, nội dung cốt lõi của các nghị quyết trên là 14 tiêu chí của làng văn hóa kiểu mẫu và 16 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội của các làng. Các nghị quyết là cơ sở pháp lý quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh phân công trách nhiệm cho các sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết. Đối với 30 làng đã duyệt, phải khởi công trong tháng 6/2023 và hoàn thành trong năm 2023.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu tỉnh khẳng định: “Làng văn hóa kiểu mẫu” là tâm huyết, sáng tạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, kế thừa truyền thống đổi mới, sáng tạo của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc.

Đồng chí yêu cầu các địa phương phải phân công nhiệm vụ rõ ràng, Bí thư cấp ủy phải là Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu; cần bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, tránh sự áp đặt, chủ quan duy ý chí khi triển khai các nội dung, nhiệm vụ.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu tỉnh sẽ kiểm tra kế hoạch triển khai của các đơn vị, nắm bắt tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và khả năng huy động nhân dân tham gia đóng góp. Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ đưa nội dung giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu vào kỳ họp hằng năm.

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp tuyên truyền về nội dung, chủ trương, các cơ chế, chính sách xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, về ý nghĩa, mục tiêu, cách làm của Vĩnh Phúc, từ đó động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm, quyết tâm thực hiện Nghị quyết quan trọng này.