Đến thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai), ai cũng bất ngờ trước những con đường bê-tông trải rộng. Người dân đã hiến đất mở đường, nắn chỉnh những khúc cua, khiến đường phong quang, sạch sẽ. Hai bên đường, những hàng cây sum suê tỏa bóng. Nếu như tầng trên là mầu xanh mướt của cây lâu năm, thì ở ven hai bên đường, những khóm hoa đua nhau khoe sắc. Nếu như ở nhiều địa phương, ao làng, giếng làng vốn là những mảnh hồn quê đang dần biến mất, thì ở Thị Nguyên, những ao làng được kè cẩn thận. Chung quanh ao, hồ được thiết kế đường đi dạo, lắp đặt những chiếc ghế đá, thiết bị luyện tập thể dục, thể thao. Người dân Thị Nguyên đi đâu cũng muốn về với làng quê của mình. Sự đổi mới trong đời sống cộng đồng còn phản ánh rõ nét trong sinh hoạt văn hóa. Chi bộ, chính quyền thôn Thị Nguyên đã phối hợp các đoàn thể nhân dân xây dựng Quy chế hoạt động của nhà văn hóa. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, dưỡng sinh đều hết sức phong phú. Trưởng thôn Thị Nguyên Bùi Văn An cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND huyện Thanh Oai về xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu, khi triển khai thực hiện, chúng tôi đã lấy ý kiến nhân dân xây dựng và ban hành Hương ước mới, phát cho mỗi hộ gia đình một cuốn. Sau đó, cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể vận động mọi người thực hiện. Hằng tuần, chúng tôi đều rút kinh nghiệm, chỉnh sửa ngay những gì bất cập”.
Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí văn hóa luôn được xem là một tiêu chí “dễ mà khó”. Dễ bởi về định lượng, chỉ cần đạt tiêu chí về cơ sở vật chất (nhà văn hóa và khu hoạt động thể thao của xã, thôn) và tỷ lệ Làng văn hóa đạt hơn 70% là đạt yêu cầu đề ra. Nhưng khó bởi văn hóa không đơn thuần là yếu tố định lượng. Thực tế những năm qua, văn hóa khu vực nông thôn đang đứng trước không ít thách thức. Đó là nguy cơ phai nhạt của văn hóa truyền thống. Nhiều tập tục, lối sống tốt đẹp bị mai một. Trong khi đó, làng quê đang bị tác động bởi một số yếu tố tiêu cực của lối sống đô thị. Nhận thức rõ điều này, Hà Nội chú trọng yếu tố văn hóa trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Song song với đầu tư hạ tầng, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của thành phố chú trọng chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng mô hình làng văn hóa, gia đình văn hóa, chú trọng bảo tồn những nét đẹp của “nông thôn cũ” như đầu tư bảo tồn di tích, di sản, gìn giữ các phong tục truyền thống…; song song với kiến thiết những nhân tố mới như các câu lạc bộ văn hóa, câu lạc bộ thể thao; cải tạo cảnh quan, môi trường để đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày một nâng cao của người dân.
Từ chủ trương chung này, các huyện trên địa bàn Hà Nội đã triển khai một cách phong phú, đa dạng căn cứ vào tình hình địa phương. Tại huyện Thanh Oai, đồng hành với xây dựng nông thôn mới là việc triển khai mô hình “làng văn hóa kiểu mẫu”. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Duy Hiệp, mô hình làng văn hóa kiểu mẫu đề ra những tiêu chuẩn cao hơn so với mô hình làng văn hóa. Bên cạnh những tiêu chuẩn cao về kinh tế, sự thụ hưởng các dịch vụ xã hội, làng văn hóa kiểu mẫu còn phải đạt các tiêu chí như: tất cả các hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn thiết yếu, có nhà văn hóa hoạt động hiệu quả, tất cả trẻ em đến trường trong độ tuổi, thực hiện tốt các quy ước việc tang, việc cưới, lễ hội... Ngoài ra, còn có tiêu chuẩn về cảnh quan, môi trường, chấp hành chủ trương, pháp luật và thực hiện quy tắc ứng xử. Mô hình này tạo nên xung lực mới cho đời sống văn hóa nông thôn mà thôn Thị Nguyên, xã Cao Dương là thí dụ điển hình.
Ở huyện Đan Phượng sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới đã triển khai mô hình xã đạt nông thôn mới nâng cao (hay nông thôn mới kiểu mẫu). Ba xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung đã trở thành những xã nông thôn mới đầu tiên đạt chuẩn nâng cao. Đến với ba xã nêu trên hay bất cứ địa phương nào khác trên địa bàn, những yếu tố “nông thôn cũ” đan xen với “nông thôn mới” một cách hài hòa. Tại Đan Phượng, các ngôi đình Đông Khê, Đại Phùng đều được tôn tạo khang trang, sạch đẹp, giá trị di tích được phát huy. Nhiều chiếc giếng cổ trong ba thôn: Đại Phùng, Đông Khê, Đoài Khê được gìn giữ, khoanh vùng bảo vệ. Trong khi đó, những ao, hồ đều được kè bê-tông cẩn thận, tạo những công viên trong lòng làng quê. Đan Phượng cũng là một trong những địa phương tiên phong trong xây dựng “nhà có số, phố nở hoa”. Khắp các tuyến đường chính, người dân tự nguyện góp công, góp của để tạo nên những tuyến đường hoa quanh năm khoe sắc.
Tại huyện Đông Anh, UBND huyện đã triển khai các đề án nhằm đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng cổ, các bộ môn văn hóa, thể thao truyền thống trên địa bàn. Cùng với việc xây dựng hạ tầng văn hóa nông thôn, việc triển khai các đề án này giúp văn hóa Đông Anh có nhiều khởi sắc. Làng rối nước Đào Thục đang ngày càng thu hút khách du lịch. Các câu lạc bộ tuồng, chèo, cải lương hoạt động mạnh tại các xã: Xuân Nộn, Việt Hùng, Cổ Loa…, vừa bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, vừa giúp đời sống tinh thần người dân nông thôn phong phú. Nhờ hoạt động của các nhà văn hóa xã, thôn, Đông Anh cũng là địa phương phát triển mạnh các môn thể thao mang tính cộng đồng cao như: bóng chuyền hơi, cầu lông, yoga, khiêu vũ… Câu chuyện tương tự ở Đông Anh cũng diễn ra ở các huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn…
Mặc dù vậy, trong bức tranh đa sắc của văn hóa ngoại thành, vẫn còn nhiều mảng tối. Xây dựng nông thôn mới là động lực để nhiều địa phương hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Nhưng hiệu quả của hệ thống này chưa đồng đều. Huyện Phú Xuyên dù kinh tế còn không ít khó khăn, song, hệ thống nhà văn hóa được xây dựng khá đồng bộ. Huyện chỉ còn bảy thôn chưa có nhà văn hóa. Tuy nhiên, tình trạng nhà văn hóa hoạt động thiếu hiệu quả còn phổ biến. Điển hình nhà văn hóa thôn An Khoái (xã Phúc Tiến), dù được đầu tư khoảng ba tỷ đồng, nhưng đến nay mới diễn ra một số buổi biểu diễn văn nghệ, còn lại chủ yếu dùng để hội họp. Các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ… đều gặp khó khăn trong bảo tồn di tích. Trong khi các di sản lễ hội được bảo tồn, phát huy giá trị thì một số di sản văn hóa phi vật thể như: ca trù ở Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên), ca trù Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng), hát dô Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai), rối nước Bình Phú (huyện Thạch Thất), hát trống quân ở Hát Môn (huyện Phúc Thọ)... đều gặp khó khăn ở mức độ khác nhau, trong đó, phần lớn là do thiếu kinh phí hoạt động.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết: Thành phố đang triển khai đề án nghiên cứu, khảo sát, thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn, xây dựng dự thảo Quy chế quản lý, hoạt động nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Đây sẽ là “bộ khung” để xây dựng các phương thức quản lý, tổ chức hoạt động cũng như việc huy động kinh phí, sử dụng nguồn thu…, thiết thực nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đối với bảo tồn di sản, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, cùng với tăng cường kinh phí, Hà Nội cần đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Vùng ngoại thành Hà Nội lưu giữ những truyền thống văn hóa quý báu với những sắc thái đa dạng. Hy vọng quá trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục mang đến nhiều đổi thay về đời sống vật chất, tinh thần. Việc khắc phục những bất cập nêu trên, sẽ giúp Hà Nội nhân rộng thêm những miền quê đáng sống.
Những làng văn hóa kiểu mẫu
Quá trình xây dựng nông thôn mới đã mang đến những xung lực, giúp đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên, văn hóa làng quê được kế thừa, phát huy, tiếp thu những nhân tố mới. Đó là câu chuyện đang diễn ra ở Hà Nội, nơi ngày càng có nhiều những miền quê đáng sống.
Biểu diễn rối nước tại làng Đào Thục (Cổ Loa, Đông Anh).Ảnh: HUY AN |