Kế hoạch tham vọng đạt nhiều mục tiêu
Ngập lụt vào mùa mưa từ lâu đã trở thành mối quan tâm lớn của người dân Vĩnh Phúc. Nhiều tuyến đường tại thành phố Vĩnh Yên, đường quốc lộ 2 và nhiều diện tích đất lúa bị ngập, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Trong khi đó, mùa khô lại thiếu nước sản xuất. Tình trạng ô nhiễm ao, hồ, sông ngòi chưa được cải thiện.
Kỳ vọng giải quyết dứt điểm nạn ngập lụt, tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư khoảng 4.815,8 tỷ đồng, tương đương 220 triệu USD. Nguồn tài chính cho Dự án từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 150 triệu USD và nguồn đối ứng của tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 70 triệu USD.
Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt
Đây là dự án đầy tham vọng nhằm đạt nhiều mục tiêu như: kiểm soát lũ lụt tại lưu vực trung tâm tỉnh; ngăn chặn sự suy thoái nhanh chóng của chất lượng nước mặt; nâng cao năng lực tích trữ nguồn nước; cải thiện môi trường nước; quan trắc nguồn nước và chất lượng nước... hướng đến xây dựng môi trường nước bền vững.
Trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải tại thị trấn Yên Lạc cơ bản hoàn thành. |
Diện tích tự nhiên vùng dự án lên đến 710km2, tác động đến hơn 800 nghìn dân. Để triển khai dự án, tỉnh Vĩnh Phúc đã lấy ý kiến của nhiều chuyên gia từ các tổ chức trong nước và quốc tế, các bộ, ngành; giao Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài-một đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ gia hạn đến 30/6/2025, song hầu hết các hạng mục, công trình, trạm bơm, trạm xử lý nước thải sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Hiện nay, nhiều gói thầu cơ bản hoàn thành, phát huy hiệu quả.
Ông Hồ Quang Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài cho biết: Hạng mục xây dựng điều tiết cầu Tôn nằm trên sông Cầu Bòn giáp ranh giữa xã Tam Hợp và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, khi đưa vào vận hành đã phát huy tác dụng làm chậm lũ khi có mưa lớn từ Tam Đảo đổ về Khu công nghiệp Bình Xuyên, nhờ đó các nhà máy trong Khu công nghiệp kịp có phương án bảo vệ máy móc, phương tiện trong những ngày mưa lớn hồi tháng 5/2022.
Trong mùa lũ năm nay, các trạm điều tiết tại Vĩnh Sơn và Lạc Ý điều tiết lũ trên sông Phan đổ về thành phố Vĩnh Yên. 3 trạm bơm tiêu Kim Xá, Ngũ Kiên và Nguyệt Đức với tổng lưu lượng thiết kế là 145m3/s, khi đi vào hoạt động sẽ kiểm soát được lũ. Tình trạng ngập lụt như các năm trước đây sẽ không còn.
Các dự án thoát nước mặt tại các điểm ngập trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đang được xử lý thông qua các dự án khác, được đấu nối với hệ thống tiêu thoát nước và trữ nước thuộc Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt.
Tất cả các công trình thuộc Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt đều kết nối với hệ thống thủy lợi, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của tỉnh, nhờ đó công tác quản lý lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ được cải thiện.
Ông Phúc thông tin thêm: Trước đây vào mùa khô, mỗi khi thiếu nước phải bơm nước từ sông Hồng, sông Phó Đáy, qua hệ thống thủy lợi để dẫn nước vào đồng, vừa phức tạp, vừa tốn kém. Đến nay, việc điều tiết Vĩnh Sơn, Lạc Ý, cầu Sắt và cầu Tôn trên sông Phan có tác dụng dâng nước để phục vụ tưới trong mùa khô; đồng thời, 3 hồ điều hòa trước 3 trạm bơm, hồ Sáu Vó, một số đoạn sông Phan được nạo vét và khoảng 12km kênh hút sẽ làm tăng dung tích trữ nước vào mùa khô lên 7,5 triệu m3, bảo đảm điều hòa và quản lý tốt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả
Để thực hiện dự án với tổng mức đầu tư lớn, địa bàn rộng, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, Ban Quản lý dự án chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án. Khối lượng hoàn thành xây lắp trên công trường liên tục được cập nhật, báo cáo. 2 năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công được giải quyết kịp thời. Đến đầu tháng 12/2023, giá trị khối lượng hoàn thành đối với tất cả 15 gói thầu thuộc dự án đạt 86%; tổng giá trị giải ngân của cả dự án đạt hơn 64%. Nhà thầu đã hoàn thành và bàn giao quản lý vận hành gói thầu Cải tạo, nạo vét 3 con sông ở huyện Bình Xuyên, xây dựng 2 trạm điều tiết cầu Tôn, cầu Sắt và bãi tập kết đất nạo vét Đồng Mong.
Có 2 gói thầu cơ bản hoàn thành là gói Xây dựng kênh hút từ ĐT.303 tới hồ điều hòa và hồ điều hòa trạm bơm Nguyệt Đức; gói Nạo vét sông Phan từ cửa ra Đầm Vạc đến cống Sáu Vó 2 và xây dựng trạm điều tiết Vĩnh Sơn, trạm điều tiết Lạc Ý.
Các gói thầu khác đang được gấp rút thi công, cam kết hoàn thành các hạng mục sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới trước ngày 31/12/2023. Tại gói thầu Xây dựng tuyến kênh hút và hồ điều hòa Ngũ Kiên, nhà thầu thi công tổ chức nhiều mũi thi công để bảo đảm tiến độ thông dòng về trạm bơm.
Ông Hồ Quang Phúc nhấn mạnh: Về cơ bản, dự án bảo đảm tiến độ và các mục tiêu đề ra. Ban Quản lý dự án đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đôn đốc các nhà thầu, đã thực hiện thu hồi toàn bộ tiền tạm ứng của một số nhà thầu chậm tiến độ, điều chuyển kinh phí trực tiếp cho các tổ đội thi công tại một số gói thầu.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm bơm Nguyệt Đức. |
Ban đang đệ trình Ngân hàng Thế giới xem xét lần cuối trước khi thực hiện hợp phần 3 của dự án với mục tiêu dự báo và cảnh báo lũ sớm, về dài hạn là nâng cao chất lượng sống người dân, bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp, làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và giá trị sử dụng đất của vùng dự án.
Việc kiểm soát thành công tình trạng ngập lụt có ý nghĩa lớn đối với môi trường sống của người dân trong vùng dự án, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc.