Vĩnh Long nâng chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động

Năm 2015, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long đạt 55,16% (tăng 10,2% so với năm 2014), trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 35,12% (tăng 9,3%).

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường cao đẳng Cộng đồng tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: HOÀNG BÁ
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường cao đẳng Cộng đồng tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: HOÀNG BÁ

Giải pháp của tỉnh là đẩy mạnh tổ chức các lớp dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động; khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, đa dạng các hình thức, phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất, nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động.

Vĩnh Long có 27 cơ sở dạy nghề; tỉnh rà soát, kiểm tra hoạt động đào tạo nghề, giám sát việc tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; thẩm định chương trình đào tạo nghề và mức chi phí phù hợp, giúp người lao động nắm vững kỹ năng nghề nghiệp sau khi học nghề và tìm được việc làm phù hợp. Tổ chức kết nối hoạt động sàn giao dịch việc làm với nhu cầu lao động của các khu công nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động tiếp cận thông tin trước khi học nghề, tăng cường công tác tư vấn tại các trung tâm dạy nghề giúp người lao động chọn học nghề phù hợp và có việc làm đúng nghề đã học. Từ đó tỉnh tạo việc làm mới cho 28.530 lao động, trong đó có 3.500 lao động tìm được việc làm tại các khu công nghiệp, hơn 1.300 lao động tìm được việc làm qua sàn giao dịch việc làm và xuất khẩu lao động.