Các đơn vị chức năng tổ chức điều tra, khảo sát và đánh giá nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời lựa chọn đối tác xuất khẩu lao động để có kế hoạch, biện pháp sát với yêu cầu thực tế. Cùng với đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; phối hợp thân nhân người lao động động viên họ tuân thủ pháp luật khi đi làm việc ở nước ngoài và về nước đúng thời hạn. Các đơn vị chuyên môn quan tâm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn để người tham gia xuất khẩu lao động an tâm khi làm việc ở nước ngoài…
Tỉnh thực hiện cho vay với mức từ 80 đến 100% chi phí, lệ phí hợp lệ cần thiết để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016-2020. Lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất hoặc là người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, bộ đội xuất ngũ sẽ được hưởng mức lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo.
★ Tỉnh Hải Dương hiện còn hơn 40.000 hộ nghèo và gần 24.000 hộ cận nghèo (chiếm 7,19% và 4,27% số hộ toàn tỉnh). Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với mỗi năm phấn đấu giảm 1% số hộ nghèo trở lên, tỉnh tập trung triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và ưu tiên đối với lao động có hoàn cảnh khó khăn; dạy nghề gắn với tạo việc làm; đẩy mạnh tạo việc làm cho lao động vào các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; miễn giảm học phí cho con các hộ nghèo; củng cố mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, tỉnh huy động các nguồn vốn và lồng ghép các chương trình để đẩy mạnh cấp nước sinh hoạt và bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn; tích cực cải cách thủ tục hồ sơ giúp các đối tượng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hướng dẫn hộ nghèo làm ăn theo hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề có hiệu quả; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề theo hình thức vừa học vừa làm cho người nghèo...