Vinh danh làng nghề truyền thống

Hằng năm, huyện Phú Xuyên đều tổ chức lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống trên địa bàn. Đây không chỉ là ngày hội tri ân, tôn vinh những nghệ nhân, thợ nghề, mà còn là dịp để quảng bá sản phẩm, mở rộng liên kết thương mại-du lịch và tìm kiếm thị trường cho sản xuất làng nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm tò he của những nghệ nhân xã Phượng Dực đã trở nên thân quen với nhiều người.
Sản phẩm tò he của những nghệ nhân xã Phượng Dực đã trở nên thân quen với nhiều người.

“Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên” lần thứ tư đã trở thành ngày hội lớn trên địa bàn huyện. Trong bốn ngày, từ 26-29/10, khách tham quan và người dân Phú Xuyên được tham gia, trải nghiệm chuỗi các hoạt động thú vị, ý nghĩa. Cả khu sân vận động trung tâm thị trấn trở thành nơi trình diễn của nghệ nhân các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Từ những nghệ nhân nặn tò he đến từ xã Phượng Dực đến những người thợ xã Phú Túc thoăn thoắt đan cỏ tế thành những chiếc giỏ hay túi xách...

Bên cạnh đó, khách tham quan còn được tự tay sáng tạo tác phẩm yêu thích dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề và xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian... Đồng thời, khách được tham quan, mua sắm tại 220 gian hàng trưng bày gần 1.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Phú Xuyên, của thành phố Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Không gian tổ chức đẹp mắt, thiết kế trong không gian mở với nhiều mô hình, tiểu cảnh nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, gắn kết du lịch, mang đậm dấu ấn địa phương. Chị Trần Thị Hiền ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Tôi biết đến lễ hội làng nghề Phú Xuyên, cho nên cuối tuần, tôi đưa các con về quê chơi và tham gia lễ hội. Tôi thấy đây là dịp để mọi người cảm nhận những nét văn hóa làng nghề nói riêng và bản sắc của con người và đất nước Việt Nam nói chung”.

Không chỉ vinh danh và lan tỏa giá trị nghề truyền thống, lễ hội cũng là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề quảng bá sản phẩm, gặp gỡ trao đổi cơ hội kinh doanh. Theo thống kê, tổng giá trị hàng hóa mang đến trưng bày tại lễ hội lên đến 100 tỷ đồng. Trong những ngày diễn ra, các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã tổ chức giao dịch thương mại, trao đổi hàng hóa, doanh thu ước đạt hàng chục tỷ đồng. Đại diện Công ty TNHH May Hùng Luyến cho biết, để mở rộng thị trường cho sản phẩm làng nghề, công ty đã tận dụng nhiều kênh quảng bá khác nhau, từ trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm cho tới trên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, sản phẩm của doanh nghiệp đã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Phú Xuyên là “đất trăm nghề” với tất cả 154 làng đều có nghề, trong đó có 43 làng được thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Một số làng nức tiếng gần xa như giày da Phú Yên; may mặc Vân Từ; khảm trai Chuyên Mỹ; đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; cơ kim khí Đại Thắng; sản xuất mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; làm tò he ở xã Phượng Dực... Các làng nghề của Phú Xuyên đã và đang tạo việc làm cho gần 30.000 hộ với khoảng 45.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 45% số lao động toàn huyện), đóng góp cho ngân sách địa phương hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh nhấn mạnh: “Các sản phẩm làng nghề của huyện được tiêu thụ trong nước và nước ngoài không chỉ góp phần quảng bá về văn hóa của huyện, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch làng nghề và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh việc phát huy giá trị của những làng nghề cũ, huyện đang tập trung phát triển thêm nhiều làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới, đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng, tạo dựng được thị trường rộng lớn trong nước và phục vụ xuất khẩu”.

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất của làng nghề, huyện Phú Xuyên đã quy hoạch và từng bước xây dựng các cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sản xuất tập trung. Theo quy hoạch giai đoạn 2020-2030 đã được Bộ Công thương chấp thuận và thành phố phê duyệt, Phú Xuyên sẽ được đầu tư xây dựng 11 cụm công nghiệp.

Trong đó, có bốn cụm công nghiệp là cụm công nghiệp Phú Túc, Phú Yên, Đại Thắng và Vân Từ đã được thành phố ra quyết định thành lập, đang hoàn thiện các hạng mục. Bảy cụm công nghiệp còn lại đang được huyện kêu gọi xây dựng hạ tầng kỹ thuật... Huyện cũng đang tích cực phối hợp Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị khảo sát, lập dự án đầu tư, hỗ trợ, nâng cấp, cải tạo một số hạng mục cơ sở hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan môi trường phục vụ du lịch làng nghề giai đoạn 2020-2030.

Tại Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên năm nay, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trao quyết định công nhận “Điểm đến du lịch làng nghề Phú Xuyên” cho làng nghề giày da xã Phú Yên. Từ nay đến năm 2025, huyện sẽ lựa chọn phát triển thêm bốn điểm du lịch làng nghề tại các xã, gắn chặt hơn nữa hoạt động sản xuất làng nghề với du lịch để góp phần gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của cha ông, xây dựng địa phương phát triển.