Vĩnh biệt “Hiệp sĩ” tác quyền

NDO -

Nhạc sĩ Phó Đức Phương được biết đến với những ca khúc thấm đẫm chất dân gian, mang những nét phiêu linh huyền hoặc. Nhưng ông cũng được biết đến là một trong những hiệp sĩ đấu tranh đòi tác quyền cho các nhạc sĩ mạnh mẽ nhất. 

Các nhạc sĩ trong "Bộ tứ sông Hồng".
Các nhạc sĩ trong "Bộ tứ sông Hồng".

Nhạc sĩ của núi, của sông

Không khó để thấy, các sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương như những bức tranh quê, với cảnh hồ, sông nước, núi non, nhưng không hề tĩnh lặng mà cuồn cuộn cảm xúc, đem lại cho người nghe cảm giác của sự mạnh mẽ, bao la, thậm chí là choáng ngợp. Những ca khúc của ông nhiều khi giống như những câu chuyện được ông kể lại, có nguồn gốc từ vốn cổ, bắt nguồn từ điển tích, điển cố, mang những màu sắc và sức hấp dẫn rất riêng. 

Nhiều chuyên gia nhận xét, âm nhạc của ông mang cả chất dân dã quê mùa của dòng nhạc dân gian, nhưng cũng có tính hàn lâm cổ điển. Âm nhạc của ông cũng mang đậm màu sắc huyền bí khi ông vận dụng nhuần nhuyễn các làn điệu dân gian như tuồng, chèo, xẩm và đặc biệt là ca trù lồng trong màu sắc thoát tục của âm nhạc tôn giáo như “Trên đỉnh Phù Vân”, “Khúc hát phiêu ly”, “Bài ca thần chim Lạc”, “Không thể và có thể”... 

Những ca khúc của ông đòi hỏi một sự lao động nghệ thuật vô cùng nghiêm túc, và chính vì thế, ông cũng rất kỹ tính khi đặt ra những yêu cầu cao và khắt khe đối với người thể hiện ca khúc mình. Ông trau chuốt từ từng ca từ, từng nốt nhạc, cách hòa âm phối khí. Ông muốn ca sĩ phải đẩy được cao nhất cảm xúc khi thể hiện ca khúc của mình. Chính vì thế, các bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn được những ca sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại thể hiện như Thanh Lam, Tùng Dương, Mỹ Linh.

Ông cũng được đặt cho cái tên là Tráng sĩ trong “Bộ tứ sông Hồng”, gồm các nhạc sĩ Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến và Nguyễn Cường, với các ca khúc ấn tượng về sông Hồng. 

“Hiệp sĩ” tác quyền

Câu chuyện đòi tác quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương là câu chuyện “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Năm 2002, ông đi vay mượn tiền, đi tiên phong thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. 

Gần 20 năm gắn bó với Trung tâm, ông đã “tả xung hữu đột” bảo vệ quyền cho các nhạc sĩ. Ông chấp nhận cả những xung đột, mâu thuẫn, phiền toái và cả những tai tiếng để bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp của mình. Ông tự nghiên cứu luật, học tiếng Anh, hy sinh cả thời gian sáng tác để lao vào một lĩnh vực mới lạ đầy khó khăn.

Ban đầu chưa có trụ sở, phải đi mượn, rồi phải xin hỗ trợ kinh phí hoạt động… Nhưng những khó khăn về cơ sở vật chất đó chưa thấm vào đâu so với những rào cản, khó khăn mà ông và Trung tâm gặp phải trên con đường đòi tác quyền cho các nhạc sĩ. Đó là trên thực tế khi đó, nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức hoàn toàn không hiểu về chuyện tác quyền và phải trả tác quyền, mặc dù trong luật đã có quy định. Giải thích, rồi tranh cãi, và lại giải thích, như ông từng nói “Giai đoạn đó mệt mỏi không thể tưởng tượng nổi”, phải dồn gần như toàn bộ tâm sức vào đó mới có thể vượt qua”.

Và kết quả là số tiền tác quyền mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đòi được về cho các nhạc sĩ ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung tâm thu được gần 104 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Số tiền thu được nhiều nhất là từ các website, ứng dụng, kế đó là thu từ khu vực kinh doanh karaoke, phòng thu, rồi đến phát thanh, truyền hình, nhà hàng, quán bar… Hàng nghìn nhạc sĩ đã tin tưởng ký tác quyền với Trung tâm để được bảo vệ mọi nơi, mọi lúc. Có những nhạc sĩ đã nhận được hàng trăm triệu đồng tiền tác quyền mỗi năm. 

Điều quan trọng hơn cả, là ý thức về bảo vệ tác quyền của nhiều nhạc sĩ đã tăng cao. Các nhạc sĩ đã nhận ra những quyền lợi chính đáng mà họ nhận được khi có ý thức về bản quyền những đứa con tinh thần của mình. 

Và người “hiệp sĩ” ban đầu tả xung hữu đột trong cuộc đấu tranh vì tác quyền ấy, mãi mãi được mọi người nhớ đến, không chỉ với những sáng tác của mình, mà còn bởi những gì mà ông dốc tâm sức ra để làm, nay đã có những quả ngọt…


Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hưng Yên. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Nha Trang thu”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi”, “Không thể và có thể”, “Về quê”...

Tháng 7-2020, gia đình nhạc sĩ Phó Đức Phương và một số nghệ sĩ đã tổ chức đêm nhạc mang tên “Khúc hát phiêu ly” như là món quà tinh thần tặng ông khi ông được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư tụy. Đêm nhạc có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đã gắn bó với âm nhạc của ông như NSƯT Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Minh Thu, nhóm M4U, Phương Anh,… Trong đêm nhạc, mặc dù nằm viện điều trị nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn xem chương trình qua livestream và ông tỏ ra rất phấn khởi, khen ngợi liên tục, sau đêm nhạc ông còn viết lời cảm ơn ekip thực hiện chương trình một cách rất tình cảm và chan chứa yêu thương.

Lễ viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương bắt đầu từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ 45 phút ngày 24-9 (tức ngày 8-8 âm lịch) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. Lễ an táng tổ chức vào buổi chiều cùng ngày tại nghĩa trang Công viên Thiên Đức - Phú Thọ.


Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời