Trước đó, ngày 30-11-2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Phó Thủ tướng Peter Pellegrini đã ký Biên bản (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT.
Tại buổi tiếp, thay mặt Bộ TT và TT Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhiệt liệt chào mừng Ngài Peter Pellegrini, Phó Thủ tướng phụ trách Đầu tư và Tin học hóa Cộng hòa Slovakia đã đến làm việc với Bộ TT và TT nhân dịp Ngài sang thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Slovakia rất vui mừng Phiên họp toàn thể ở Slovakia lần 2 giữa Tiểu ban hỗn hợp hai nước hồi tháng 6 vừa qua đã chú trọng đến hợp tác IT, chú trọng đến Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh và các hợp tác khác; áp dụng CNTT trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ngài Peter Pellegrini hy vọng sự hợp tác không chỉ giữa hai nhà nước, Chính phủ mà còn các doanh nghiệp tư nhân với nhau và không chỉ một chiều mà là hai chiều. Đồng thời, doanh nghiệp CNTT Slovakia cũng muốn tham gia vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Ngài Phó Thủ tướng dẫn thí dụ: Tập đoàn quốc tế Afair có trụ sở tại Slovakia đang phát triển dự án du lịch thông minh tại TP Hồ Chí Minh của Việt Nam. Tương tự, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang cân nhắc áp dụng giải pháp thông minh của một công ty của Slovakia quản lý các cơ sở, hồ sơ bệnh án, quản lý bệnh nhân…
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, với xu thế phát triển tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu, CNTT-TT, đặc biệt là hạ tầng viễn thông băng rộng và bảo đảm an toàn thông tin sẽ đóng vai trò then chốt và là nền tảng cho cuộc Cách mạng. Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng mới như trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng IP, điện toán đám mây, internet vạn vật, thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, máy in 3D… và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi mặt của đời sống.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Slovakia là một trong những quốc gia nhiều kinh nghiệm và thế mạnh về phát triển ứng dụng CNTT và bảo đảm an toàn thông tin, phía Việt Nam thực sự tin tưởng rằng các cơ quan, doanh nghiệp sẽ tìm thấy cho riêng mình các cơ hội hợp tác với Việt Nam, trong đó chú trọng đến bảy nội dung hợp tác sau: Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách CNTT-TT phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Triển khai các chương trình, dự án về ứng dụng CNTT-TT trong quản lý hành chính nhà nước như Chính phủ điện tử, chứng thực điện tử; An toàn thông tin; Hợp tác phát triển công nghiệp CNTT-TT; phát triển hạ tầng và dịch vụ băng rộng, công nghệ 5G; Hợp tác nghiên cứu và phát triển: cơ sở dữ liệu quốc gia, Internet vạn vật (IoT), Điện toán đám mây, Máy in 3D, Máy tính trí tuệ nhân tạo, Thành phố thông minh; Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực dành cho phát triển chính phủ điện tử và an toàn an ninh thông tin...