Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn

NDO - Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so năm 2022, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á; duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự họp báo.
Các đại biểu dự họp báo.

Ngày 9/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ quý 3/2023, thông tin nhiều vấn đề liên quan phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo được đề cập.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong quý 3 năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 văn bản. Đó là: Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ; Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về việc chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý; Chỉ thị số về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn ảnh 1

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại họp báo.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 8 dự thảo văn bản: Nghị định quy định về khu công nghệ cao; Nghị quyết ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”; Quyết định phê duyệt giải pháp tổng thể về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động đến năm 2030; Chỉ thị về thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ.

Đáng chú ý, theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 27/9/2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng hai bậc so năm 2022, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo về cơ hội phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn ở Việt Nam, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng khoa học và công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển công nghiệp chip bán dẫn trong thời gian tới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này. Mỗi loại chip đều đỏi hỏi công nghệ rất cao, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ là khâu quan trọng, phối hợp các cơ quan chức năng khác để đào tạo nhân lực công nghiệp chế tạo chip bán dẫn. Trong 3 khâu thiết kế, chế tạo và đóng gói, Việt Nam sẽ tập trung vào thiết kế nên đòi hỏi cần có nguồn nhân lực trình độ cao.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ phải có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm trong các viện trường có lĩnh vực này.

Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn ảnh 2

Đại diện các đơn vị Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời câu hỏi của phóng viên.

"Chúng tôi khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài chung tay. Thông qua các chương trình phải đẩy mạnh là chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương đối với các nước có thế mạnh khoa học công nghệ lĩnh vực chip bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ", ông Nguyễn Phú Hùng cho hay.

Mặt khác, để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn phải xây dựng các chính sách đầu tư và hỗ trợ trang thiết bị đo lường kiểm định các sản phẩm của chip bán dẫn theo đúng chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm. Cùng với sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.