Sáng ngày 28-2, tại dinh Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Bích Đạt đã trao giấy phép thực hiện dự án xây dựng nhà máy assembly và test chíp bán dẫn tại khu công nghệ cao Hồ Chí Minh cho chủ tịch tập đoàn Intel Craig R.Barrett với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải và Đại sứ Hoa Kỳ M. Marine.
Dự án trị giá 300 triệu USD này là dự án công nghệ bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam và là giai đoạn đầu Intel đầu tư vào Việt Nam. Khi đưa vào sử dụng đây sẽ là nhà máy lắp ráp chíp thứ 7 của Intel trên toàn cầu và dự kiến sẽ tuyển dụng 1.200 nhân viên. Nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 22 ha trong 18 tháng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật ý nghĩa của dự án đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ vào Việt Nam, góp phần thực hiện đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá ở Việt Nam, nhất là trong phát triển công nghệ cao và CNTT, có ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Chất lượng lao động, môi trường đầu tư chính là những yếu tố mang tính quan trọng trong việc Intel quyết định xây dựng nhà máy ở Việt Nam. Theo ông Craig R.Barrett, Intel đã nghiên cứu và thấy được nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của CNTT, thêm vào đó là quá trình phát triển rất khả quan của cơ sở hạ tầng, sự quan tâm của cộng đồng, hoạt động đầu tư trong khu vực đang rất sôi động và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang rất nhanh.
Theo nhận định của ông Craig R.Barrett, từ thực tế những nơi mà Intel đã đầu tư sẽ thấy rằng, việc đầu tư này sẽ tạo ra những ảnh hưởng làm thay đổi rất mạnh mẽ đối với kinh tế khu vực đó. Dự án sẽ không chỉ tác động đến những người làm việc trong nhà máy của Intel mà nhìn tổng thể nó sẽ tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư khác. Ông Craig R.Barrett dự đoán đầu tư ở Việt Nam sẽ tăng trưởng với vị thế tương tự như Malaixia hay Philippinnes.
Ông Craig R.Barrett cũng xác nhận vị trí quan trọng của Việt Nam trong chiến lược sắp tới của Intel bởi các lý do: Việt Nam nằm ở trung tâm châu Á trong khi kinh tế châu Á đang tăng trưởng nhanh, Việt Nam là một nước có dân số đông, có nền giáo dục cơ bản cho người trẻ rõ ràng, chương trình của Chính phủ rất mạnh mẽ. Ông cũng dự báo rằng Việt Nam đang có cơ hội mới để tham gia ngành công nghệ cao toàn cầu và đầu tư sẽ đổ vào cho ngành phần mềm đầy tiềm năng, rồi các ngành công nghệ tiềm năng
Theo Chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại TP Hồ Chí Minh, ông Walter Blocker, kế hoạch đầu tư của Intel là sự bảo đảm bằng vàng về đầu tư ở Việt Nam. Quyết định xây dựng Nhà máy Intel ở Việt Nam sẽ xác nhận Việt Nam là điểm đầu tư có đẳng cấp về công nghệ thông tin.
Tại Việt Nam, Intel đã tham gia nhiều chương trình để đưa máy tính đến giáo viên, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy phát triển hạ tầng giáo dục, các hoạt động chính phủ điện tử. Intel cũng thúc đẩy người dân Việt Nam ham thích sử dụng Internet, Chính phủ sử dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy cải cách, sử dụng công nghệ không dây và băng thông rộng.