Việt Nam-Nhật Bản thúc đẩy hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội

NDO - Đến hết năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là hơn 345 nghìn người. Việt Nam hiện là quốc gia phái cử nhiều nhất trong số 15 quốc gia tham gia phái cử lao động sang Nhật Bản.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo "50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản: Chặng đường hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội".
Hội thảo "50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản: Chặng đường hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội".

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản, tổ chức Hội thảo “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản: Chặng đường hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội".

Nhằm thiết lập khung hợp tác trong lĩnh vực lao động và xã hội, thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và nhiều Bộ, ngành của Nhật Bản đã ký các Thỏa thuận hợp tác về giáo dục nghề nghiệp, an toàn lao động, đưa thực tập sinh và lao động sang Nhật Bản học tập và làm việc, giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội.

Đến nay, kết quả hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng tốt đẹp và không ngừng phát triển, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp cả hai nước.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản chính thức bắt đầu kể từ năm 1992, thông qua tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

Việt Nam-Nhật Bản thúc đẩy hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội ảnh 1

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại hội thảo.

Đến tháng 12/2022, tổng số lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là 345.000 người. Việt Nam hiện là quốc gia phái cử nhiều nhất trong số 15 quốc gia tham gia phái cử lao động sang Nhật Bản.

Hiện Việt Nam và Nhật Bản đang phối hợp triển khai Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” với mục tiêu hỗ trợ người lao động Việt Nam tìm việc phù hợp và đi làm việc tại nước ngoài theo đúng nhu cầu nguyện vọng; hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ tiếp cận tốt hơn với lao động có nhu cầu làm việc tại nước ngoài; và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận, kết nối trực tiếp với người lao động trở về nước...

Nhật Bản luôn là một trong 3 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai nước năm 2022 đạt hơn 50 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD, đưa Nhật Bản thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Đồng thời, là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu của Việt Nam với hơn 27 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực...

Tại hội thảo, Phó Đại sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Watanabe Shige khẳng định: Người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Nhật Bản đã tăng gấp 10 lần trong 10 năm qua và là nước có số lao động lớn nhất trong các quốc gia phái cử.

Nhân lực Việt Nam được đánh giá rất cần cù và có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Nhật Bản hiện nay.

Một khảo sát mới nhất của Nhật Bản, được thực hiện trong những năm gần đây, cho thấy: Việt Nam là quốc gia có khả năng mở rộng, cũng như được đánh giá cao nhất trên thế giới đối với các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư vào Việt Nam của các công ty Nhật Bản…

Việt Nam-Nhật Bản thúc đẩy hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội ảnh 2

Phó Đại sứ Watanabe Shige phát biểu tại hội thảo.

"Và chủ đề trọng tâm ngày hôm nay liên quan đến nhân lực và chúng tôi cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng với cả hai quốc gia Việt Nam-Nhật Bản, để có thể làm thế nào có thể bảo đảm được nguồn nhân lực cho xã hội", Phó Đại sứ Watanabe Shige nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản… cũng có nhiều ý kiến trao đổi về tình hình hợp tác trong lĩnh vực lao động và di cư lao động; hiệu quả của việc thiết lập đường dây nóng (hotline) 111 về giải pháp phòng, chống mua bán người; hoạt động của tình nguyện viên tại Trung tâm bảo trợ xã hội hoặc Trung tâm/Bệnh viện phục hồi chức năng; thực trạng và tiềm năng phát triển nguồn nhân lực…

Các ý kiến đều ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản đối với công tác lao động, việc làm và an sinh xã hội của Việt Nam.

Cụ thể, Nhật Bản đã hỗ trợ hoàn thành hệ thống đánh giá kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp phụ trợ và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng ưu tú tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ xây dựng đường dây nóng phòng, chống mua bán người với dự án Đường dây nóng 111 “Tăng cường tư vấn, hỗ trợ nạn nhân mua bán người ở cấp độ khu vực". Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ký Thỏa thuận hợp tác với nhiều tỉnh của Nhật Bản.