Ngày 13-11, trả lời về phản ứng của Việt Nam đối với báo cáo của tổ chức Theo dõi nhân quyền nói rằng trước Hội nghị APEC, trẻ em lang thang ở Hà Nội bị đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội và bị đối xử tàn tệ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết: Những thông tin do Tổ chức Theo dõi nhân quyền đưa ra là hoàn toàn bịa đặt.
Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em lang thang cơ nhỡ. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội cũng như của từng gia đình. Đồng thời, đây cũng là một truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.
Để giúp các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể về chăm sóc sức khỏe, giáo dục… đối với trẻ em; đề ra những biện pháp nhằm bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị lạm dụng sức lao động; phòng ngừa trẻ em bị xâm hại nhân phẩm, danh dự, bị xâm hại tình dục; phòng chống tệ nạn sử dụng ma túy trong trẻ em...
Các ngành và địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội, đã triển khai nhiều dự án giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ, đưa các em trở về đoàn tụ gia đình. Đối với những em không thể trở về gia đình thì được chăm sóc sức khoẻ, tư vấn, dạy nghề. Tất cả các biện pháp đều nhằm tạo điều kiện để các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới ký và phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và đã tích cực thực hiện cam kết và hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm cải thiện phúc lợi trẻ em trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã được Liên Hợp Quốc, trong đó có tổ chức UNICEF, ghi nhận và đánh giá cao.