Từ trước khi gia nhập Công ước CAT, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của tất cả cá nhân. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Qua từng thời kỳ, trên cơ sở các bản hiến pháp, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật cơ bản để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể và phòng, chống các hành vi bức cung, nhục hình. Một trong những văn bản pháp luật sớm nhất của Nhà nước Việt Nam về chống tra tấn là Thông tư số 2225-HCTP Về chấn chỉnh việc thực hiện quyền bào chữa của bị can do Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe ban hành ngày 24/10/1956.
Quy định nêu rõ: “Trong quá trình điều tra cũng như xét xử, tuyệt đối không được mớm cung, bức cung hay trấn áp bị can bất cứ bằng hình thức nào, hoặc dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn để bị can nhận tội. Lời thú tội của bị can không kết thúc cuộc thẩm cứu mà còn phải có bằng chứng xác minh mới được dùng làm cơ sở để kết tội. Tòa án chỉ dựa trên những sự việc đã xác minh rõ rệt ở phiên tòa mà kết luận” (Điều 3, Chương III, Thông tư số 2225-HCTP).
Bộ luật hình sự 1985 chính thức nhận định các hành vi có tính chất bức cung và nhục hình là tội phạm, cho thấy dù chưa gia nhập Công ước CAT (được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984 theo Nghị quyết 39/46. Có hiệu lực từ ngày 26/6/1987), các nhà làm luật Việt Nam đã có sự tìm hiểu, nghiên cứu Công ước và pháp luật quốc tế để nội luật hóa các quy định liên quan đến tội phạm bức cung, nhục hình trong bộ luật hình sự đầu tiên của Việt Nam sau khi thống nhất đất nước.
Bộ luật Hình sự 1999 bổ sung quy định cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm đối với hai loại tội danh này. Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự 1999 cũng quy định nhiều tội phạm có tính chất tra tấn như: tội làm chết người trong thi hành công vụ (Điều 97); tội hành hạ người khác (Điều 110); tội làm nhục người khác (Điều 121); tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123)...
Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (khoản 1 Điều 20). Như vậy, các nhà lập pháp Việt Nam nhận thấy quyền bất khả xâm phạm về thân thể có mối liên quan chặt chẽ đến quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo. Đây là tiền đề cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về chống tra tấn ở Việt Nam hiện nay, nhất là sau giai đoạn gia nhập và thực thi Công ước CAT.
Có thể khẳng định tình trạng tội phạm có tính chất tra tấn hoặc xúi giục, đồng tình, ưng thuận với hành vi tra tấn là không phổ biến ở Việt Nam nhờ việc soạn thảo, ban hành và thực thi hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể và chống tra tấn. Không chỉ vậy, mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh.
Tuy tội phạm có tính chất tra tấn không phổ biến tại Việt Nam, nước ta vẫn tình nguyện gia nhập và trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước CAT vào ngày 7/3/2015. Hành động này thể hiện Việt Nam quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác trên thế giới, cũng như tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người nói chung và quyền bất khả xâm phạm về thân thể nói riêng.
Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam tham gia trình bày và trao đổi về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước Chống tra tấn tại Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN) |
Những năm qua, Việt Nam luôn chứng tỏ là thành viên có trách nhiệm của Công ước CAT khi không ngừng cố gắng triển khai tổng thể các biện pháp để thực thi có hiệu quả Công ước tại Việt Nam, biểu hiện qua quá trình nội luật hóa; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn; bảo vệ và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân của các hành vi tra tấn; xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự đối với các đối tượng có hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân. Qua đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền công dân, quyền con người nói chung và quyền của những đối tượng có nguy cơ bị tra tấn nói riêng đồng thời nâng cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức trong ứng xử với người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án hình sự và thân nhân của họ.
Từ trước đến nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định tội danh riêng và không đưa ra khái niệm “tra tấn” nhưng mọi hành vi có tính chất tra tấn được xác định là hành vi phạm tội, được quy định trong tội dùng nhục hình và tội bức cung tại các bộ luật hình sự trước đó và Bộ luật Hình sự năm 2015. Bộ luật Hình sự 2015 tiếp tục coi các hành vi này là rất nghiêm trọng, phải bị trừng trị nghiêm minh với khung hình phạt tối đa đối với các hành vi này là chung thân (trước đây là 12 năm với tội dùng nhục hình và 10 năm với tội bức cung theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999).
Sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về chống tra tấn thể hiện ở hàng loạt các quy định mới, bổ sung trong Luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật mới như Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (sửa đổi), Luật Tố cáo năm 2018, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022... cùng hàng trăm văn bản hướng dẫn có liên quan theo hướng chuẩn hóa các quy trình, các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi có tính chất tra tấn, bảo vệ đối tượng có nguy cơ bị tra tấn, hỗ trợ nạn nhân của hành vi tấn trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và bồi thường thiệt hại.
Trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục thực hiện Đề án Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên và triển khai sâu rộng mô hình phòng điều tra thân thiện để giải quyết các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi.
Mô hình phòng điều tra thân thiện. (Ảnh: Phạm Trọng, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh) |
Qua đó, thể hiện cam kết lắng nghe, chấp nhận và khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn, các tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ nhất lên Ủy ban chống tra tấn vào năm 2017; Báo cáo giữa kỳ trả lời các bình luận, khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn vào tháng 10 năm 2020. Ngày 14/3/2023, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Hiện tại, Việt Nam đang hoàn thiện Báo cáo quốc gia lần thứ 2 về thực thi Công ước chống tra tấn và chuẩn bị gửi xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị, xã hội đối với dự thảo Báo cáo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo để gửi đến Ủy ban chống tra tấn.
Bấp chấp những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ quyền bất khả xâm phạm thân thể và ngăn chặn, chống các hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, các thế lực thù địch, tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn không ngừng đưa ra các cáo buộc vô căn cứ đối Đảng, Nhà nước Việt Nam về vấn đề này. Điển hình là việc Nguyễn Văn Đài (đối tượng có nhiều tiền án về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hiện đang sống lưu vong tại nước ngoài) đưa ra đánh giá vô căn cứ, cho rằng Việt Nam bị xếp ở cấp độ 9/10 trên thang điểm báo động về mức độ tra tấn vi phạm nhân quyền. Hay blogger Điếu Cày (tức Nguyễn Văn Hải, đối tượng từng nhận mức án 12 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước) cho rằng Việt Nam “lừa dối cộng đồng quốc tế”, “bất chấp quyền con người cơ bản”. Có lẽ blogger Điếu Cày đã quên màn kịch “Nguyễn Văn Hải bị mất tay trong khi bị tạm giam” do gia đình ông ta và một số tờ báo chống phá dựng lên, chối bỏ sự thật là đối tượng này không hề bị xâm hại về thân thể hay gặp bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe trong thời gian đó. Đáng tiếc những cáo buộc xuyên tạc trắng trợn sự thật này vẫn được một vài tổ chức thiếu thiện chí với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sử dụng làm luận điệu khi bình luận về tình hình thực thi Công ước CAT ở Việt Nam.
Là một quốc gia lấy con người làm trung tâm và động lực cho sự phát triển, bảo vệ quyền con người nói chung và quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền không bị tra tấn luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam nhìn nhận là nhiệm vụ quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu. Nhìn vào bức tranh tổng thể, từ những kết quả đạt được có thể khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của Công ước CAT cũng như luôn nỗ lực, quyết tâm trong công tác bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh Việt Nam trước các quốc gia trong khu vực và trên bình diện quốc tế.
............
[1] Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Báo cáo Quốc gia lần thứ nhất Về thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, tr.61