Nhớ lại phiên chất vấn đầu tiên tại Quốc hội cách đây 69 năm(*)

Chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan và cá nhân phụ trách các bộ máy công quyền nhằm bảo đảm việc thực thi luật pháp và bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của người dân - cử tri. Hiện tại, việc tổ chức các phiên chất vấn có truyền hình trực tiếp đang thu hút sự chú ý của cử tri và cũng là vấn đề mà Quốc hội quan tâm để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc thực thi chức năng quan trọng này.

Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I được tiến hành ngày 2-3-1946. Ảnh: TL
Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I được tiến hành ngày 2-3-1946. Ảnh: TL

Hướng tới kỷ niệm 70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, xin được nhắc lại phiên chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I cách đây đã 69 năm để chúng ta có được ý niệm rằng, việc chất vấn đã được thực hiện một cách nghiêm túc ngay từ khi Quốc hội mới thành lập, trong một không khí thật sự dân chủ của một quốc gia ngay khi mới giành được độc lập.

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội (2-3-1946), nội dung quan trọng nhất là dàn xếp được sự hợp tác với các đại diện của các tổ chức như Việt Quốc, Việt Cách... nhằm thực hiện được một khối thống nhất rộng rãi để đất nước đủ sức vượt qua những mưu đồ đen tối của thế lực thực dân đang muốn trở lại xâm lược nước ta, xóa bỏ mọi thành quả cách mạng. Lòng chân thành và sự khôn khéo đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh thuyết phục được cả 70 đại biểu của các đảng phái từng "tẩy chay" cuộc Tổng tuyển cử diễn ra cách đó gần ba tháng, nay "chịu" tham gia Quốc hội, và thuyết phục được các đại biểu do dân bầu chấp nhận thêm 70 đại biểu không qua bầu cử. Nhờ vậy Quốc hội đã nhanh chóng đồng thuận với một Chính phủ Liên hiệp kháng chiến đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố vấn đoàn và Quân sự ủy viên hội; thành lập được Ban Thường trực Quốc hội và Ban dự thảo Hiến pháp.

Biên bản của kỳ họp cho biết, thời gian diễn ra rất ngắn, chỉ từ 9 giờ đến 13 giờ 10 phút được điều hành rất nghiêm trang nhưng tự do. Theo như thông lệ quốc tế, người chủ tọa phiên đầu tiên khi chưa có những chức vụ qua bầu cử được giao cho đại biểu cao niên nhất là cụ Ngô Tử Hạ, đại biểu tỉnh Ninh Bình, một nghiệp chủ theo đạo Thiên chúa. Một số người dân được vào theo dõi phiên họp từ hàng ghế trên gác cao nhất của Nhà hát lớn...

Kỳ họp thứ hai khai mạc ngày 23-10 và kéo dài tới 13 ngày cho đến ngày 9-11-1946. Giữa hai kỳ họp là một khoảng thời gian đầy biến động với bản Hiệp ước sơ bộ 6-3 được ký kết, chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kéo dài hơn bốn tháng, rồi Hội nghị Phông-ten-nơ-blô và chuyến thăm Pháp của phái đoàn Quốc hội Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Ở trong nước, quân Pháp đã thay thế quân Tưởng, một số thế lực thân Tàu Tưởng đã bỏ chạy trong đó có cả một số nhân vật được "mời" vào Quốc hội; một số phần tử chống phá bị Quyền Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng thẳng tay trừng trị trong vụ án phố Ôn Như Hầu, Ủy ban dự thảo Hiến pháp khẩn trương chuẩn bị bản dự thảo, và chiến tranh đã lan rộng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. v.v.

Do vậy, chương trình quan trọng nhất của kỳ họp này là thông qua được bản Hiến pháp đầu tiên, Bộ luật Lao động, nội quy và thông qua các báo cáo, trong đó có đề nghị của đại biểu tỉnh Rạch Giá Nguyễn Văn Tạo thay mặt các đại biểu Nam Bộ đề nghị Quốc hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người công dân số một của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đề nghị này được mọi người tán đồng nhiệt liệt.

Nhưng không khí sôi nổi hơn cả khi các đại biểu chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền Trần Huy Liệu trả lời các câu chất vấn của một số đại biểu nêu việc thay đổi Quốc kỳ. Về câu hỏi của một đại biểu thắc mắc vì sao Ủy ban Thường trực lại xếp khối đại biểu của Việt Quốc sang phía cực hữu, Bộ trưởng Trần Huy Liệu cho biết: Vấn đề là đường lối chính trị chứ không phải chỗ ngồi trong Quốc hội.

Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề quân sự như quan hệ giữa Quân ủy hội với Bộ Quốc phòng, về tình hình lực lượng bộ đội; việc tuyên dương công trạng; việc thực dân Pháp lập các xứ Nùng tự trị; các cuộc xung đột với Pháp ở Kiến An, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ; về tình hình thực hiện Thỏa ước 14-9 ở khu vực Nam Bộ...

Thay mặt Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng khiêm nhường phát biểu: "Nước nhà đã vượt qua nhiều khó khăn, đó là công lao của Hồ Chủ tịch. Nhưng trong nước có những việc không hay đó là việc của tôi !".

Còn Thứ trưởng Cù Huy Cận thì giải trình việc bắt giữ một số đại biểu Quốc hội của Việt Quốc là đúng theo trình tự quy định của pháp luật, vì họ là những người có liên quan đến vụ án Ôn Như Hầu.

Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe trả lời các câu chất vấn về việc áp dụng luật của Việt Nam đối với người ngoại quốc, tài sản của người Pháp và về tội hối lộ. Bộ trưởng khẳng định rằng nước Việt Nam đã là nước tự chủ thì người ngoại quốc sống ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam, và Chính phủ đang kiên quyết bài trừ tệ hối lộ, cho nên nếu trước đây tệ này thuộc tiểu hình thì nay đã đổi thành đại hình.

Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến phải trả lời những vấn đề xoay quanh việc phát hành đồng bạc mới, về các thứ thuế dự định ban bố, vấn đề chế độ tiền lương của công chức, vấn đề Chính phủ Việt Nam không thừa nhận loại giấy bạc 500 đồng của Ngân hàng Đông Dương vì đó là thủ đoạn phá hoại kinh tế của Pháp. Trả lời chất vấn về việc có phải Pháp và Trung Quốc đã ký hiệp ước với nhau biến Hải Phòng thành một thương cảng tự do, Bộ trưởng Lê Văn Hiến thẳng thừng nói rằng, Việt Nam là nước có chủ quyền nên mọi thỏa thuận mà không có sự tham dự của Việt Nam đều có "quyền không biết đến".

Bộ trưởng Kinh tế Chu Bá Phượng bị các đại biểu"chê" là lúng túng khi trả lời chất vấn. Bí quá ông bèn mời các vị chất vấn có dịp sang bộ của ông sẽ trình sổ sách giấy tờ... Đến lượt Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trí "bị"các đại biểu như Đoàn Trọng Truyến, Nguyễn Thị Thục Viên, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hồ Đức Thành chất vấn cũng lúng túng trả lời không rõ ràng.

Bộ trưởng cuối cùng là người đứng đầu Bộ Giáo dục Ca Văn Thỉnh trả lời xoay các câu hỏi về chính sách văn hóa, những ngành học đặc biệt và nền tiểu học.

Và ngay tại phiên chất vấn đầu tiên này, người đứng đầu Chính phủ cũng phải trả lời các câu hỏi của đại biểu. Biên bản kỳ họp cho biết danh sách những người chất vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: Trần Đình Tri (thuộc nhóm Xã hội), Lê Huy Vân (trung lập), Khuất Duy Tiến (macxit), Nguyễn Đình Thi (Việt Minh), Nguyễn Sơn Hà (công thương), Trần Huy Liệu (macxit), Huỳnh Văn Tiểng (Dân chủ), Xuân Thủy (Việt Minh) và Nguyễn Văn Tạo (macxit).

Trả lời câu hỏi vì sao Chính phủ lại đem vấn đề thay đổi quốc kỳ ra bàn, người đứng đầu Chính phủ lên tiếng một cách đanh thép: Chính phủ không bao giờ dám thay đổi quốc kỳ, chỉ vì một vài người trong Chính phủ (đại biểu Việt Quốc, Việt Cách) đề nghị việc ấy lên, nên Chính phủ phải để qua Ban Thường trực Quốc hội xem xét. Tình thế từ ngày ấy đến giờ biến chuyển nhiều, lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn. Bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào, còn ra không ai có quyền gì mà thay đổi nó.

Về chất vấn của đại biểu Trần Huy Liệu cho rằng "Tạm ước 14-9 là bất bình đẳng", Chủ tịch Hồ Chí Minh (người ký với Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại M.Mu-tê vào phút chót chuyến qua Pháp) cho rằng: Chính phủ không dám nhận như thế. Với bản tạm ước ấy mỗi bên nhân nhượng một ít, ta bảo đảm những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở đây thì Pháp cũng phải thi hành tự do dân chủ ở Nam Bộ, thả các nhà ái quốc bị bắt bớ. Còn nói Pháp không thành thật thi hành tạm ước thì ta vơ đũa cả nắm. Pháp cũng có người tốt, người xấu. Tôi có thể nói quyết rằng nhân dân Pháp bây giờ đại đa số tán thành ta độc lập và thống nhất...

Còn về vấn đề "Chính phủ liêm khiết", người đứng đầu Chính phủ trả lời: Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc trong các ủy ban là đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết.

Nhận xét chung về những vấn đề các đại biểu chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn một năm (tính từ cuối tháng 8-1945 - tác giả), hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn tám tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập tới tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập...

Sau phần chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ từ chức để trao quyền cho Quốc hội bầu ra chính phủ mới. Khi được Quốc hội tín nhiệm bầu lại một lần nữa để đứng ra lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bài phát biểu rất sâu sắc, trong đó Người nói:

"... Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới, tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam...".

Liên quan việc chất vấn cũng phải nói đến một quan niệm của người dân đương thời về phẩm chất của một vị đại biểu của dân (dân biểu hay nghị sĩ). Câu chuyện này do một nhà hoạt động lâu năm ở Quốc hội là cụ Lâm Quang Thự, nguyên đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Nam từ khóa đầu đến khóa III, rồi tiếp tục công tác tại Văn phòng Quốc hội kể lại.

Cụ kể rằng, 333 đại biểu đầu tiên được trúng cử, trong đó có một số là đại biểu sống ở Hà Nội, còn rất nhiều đại biểu từ các địa phương trên cả nước tụ hội về. Nhà nước độc lập nhưng lại rất nghèo, tài chính kiệt quệ lấy đâu ra nơi ăn chốn ở, xe cộ và tiền bạc cung cấp cho đại biểu. Một ủy ban thân hào ủng hộ Quốc hội được thành lập và mời đến Trụ sở cũ của Hội Khai trí Tiến Đức bên Hồ Hoàn Kiếm, nay là địa điểm của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Trung ương, lúc này được dùng làm cơ quan thường trực của Quốc hội.

Sau khi đại diện Việt Minh nêu yêu cầu, các thân hào, các nhà công thương Hà Nội đều xung phong nhận đại biểu về nhà mình ăn ở và chu cấp mọi điều kiện để dự họp Quốc hội. Cụ Lâm Quang Thự kể rằng, Đoàn Quảng Nam có bốn người được một gia đình ở phố Hàng Bạc mời về. Chủ nhân là một bà đã ngoại 60 tuổi, có tên hiệu là Lợi Thái. Bà dành cho Đoàn cả một tầng gác để sinh hoạt. Sau bữa cơm đầu tiên, bà trịnh trọng mời các đại biểu lên gác trên, ở đó có một ngôi điện thờ. Bà trang trọng mời chúng tôi đứng trước ban thờ và thắp hương nến rồi khấn vái, mà câu thành tâm nhất là: "Vái Ngài phù hộ các đại biểu đây khỏe mạnh, ăn nói hơn người...". Rồi bà lấy mấy trái quả xuống đưa cho mỗi người và nói: "Đây là lộc của Ngài, các vị cầm lấy và tạ Ngài đi".

Ngót 70 năm sau, ôn lại "buổi đầu Dân quốc ấy" (thơ Xuân Diệu), đọc lại tường thuật phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội mới thấy giá trị của cái nền móng truyền thống của thế hệ những người gây dựng nền Cộng hòa Dân chủ quý giá đến dường nào. Cho dù Quốc hội và thể chế dân chủ của chúng ta ngày nay đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng có những giá trị mà đến nay ta còn phải phấn đấu nhiều mới nối gót được người xưa.




(*) Trong bài này chúng tôi sử dụng nhiều tài liệu của cố đại biểu Quốc hội Lâm Quang Thự