Nội dung có lẽ sẽ tạo ra tác động tích cực và trực tiếp nhất tới đời sống của người dân chính là Chương 2 của Hiến pháp (sửa đổi) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp (sửa đổi) đã cam kết không chỉ một mà là hai lần rằng các quyền con người, quyền công dân không những được Nhà nước công nhận, tôn trọng mà Nhà nước phải bảo vệ và bảo đảm các quyền đó cho người dân (Điều 3, 14).
Hiến pháp (sửa đổi) cũng quy định một nguyên tắc quan trọng rằng quyền cơ bản của người dân chỉ có thể bị giới hạn bởi luật và chỉ trong những trường hợp thật sự cần thiết, bao gồm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng. Đối với quyền của người dân, luôn có hai vấn đề quan trọng là người dân có phạm vi quyền tới đâu và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải thi hành như thế nào.
Theo nguyên tắc trên thì chỉ Quốc hội mới có quyền dùng luật để hạn chế quyền cơ bản của người dân. Các cơ quan nhà nước khác phải có trách nhiệm thi hành luật mà không được tự mình hoặc viện dẫn bất kỳ văn bản pháp luật nào khác để cho rằng người dân chỉ có quyền tới mức độ này hay mức độ khác. Khi áp dụng trong những tình huống cụ thể với những quyền cụ thể thì nguyên tắc này sẽ thực sự tạo ra những tác động to lớn. Thí dụ, Hiến pháp (sửa đổi) lần đầu tiên quy định người dân có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 22, Khoản 1). Như vậy, người dân có quyền yêu cầu bất kỳ ai hay cơ quan nhà nước nào không được phép tìm hiểu, thu thập, sử dụng, phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của mình. Các cơ quan nhà nước muốn thu thập, sử dụng thông tin riêng tư của công dân thì bắt buộc phải căn cứ và viện dẫn những trường hợp ngoại lệ được quy định rõ ràng trong luật; và luật cũng chỉ được quy định ngoại lệ vì những lý do thực sự cần thiết kể trên. Quy định này rõ ràng sẽ làm cho đời sống riêng tư của người dân được bảo vệ tốt hơn.
Một quyền cơ bản khác cũng sẽ có tác động to lớn tới cuộc sống người dân là quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Kết hợp với nguyên tắc trên, quyền này có nghĩa là người dân được quyền tự do kinh doanh bất kỳ ngành nghề và lĩnh vực nào mà không bị cấm bởi luật do Quốc hội ban hành. Khi đi đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh không thể viện dẫn các văn bản pháp luật thấp hơn luật hoặc tự ý mình không cho người dân đăng ký kinh doanh một lĩnh vực nào đó. Một khi lĩnh vực đăng ký kinh doanh không bị luật cấm thì người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước phải tiến hành đăng ký kinh doanh cho mình và cơ quan nhà nước có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký. Hơn nữa, quyền tự do kinh doanh cũng có nghĩa rằng các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ cho người dân đăng ký kinh doanh nếu đáp ứng được các điều kiện kinh doanh do luật định.
Trong cuộc sống, con người sẽ dễ bị tổn thương nhất khi không may vướng vào vòng lao lý. Khi lâm vào tình huống không may đó, các quyền cơ bản trong lĩnh vực tư pháp sẽ là những "tấm lá chắn pháp lý" chắc chắn để bảo đảm sự công bằng cũng như bảo vệ người dân không bị xâm hại cho đến khi công lý được thực hiện. Điều 20, Khoản 1 của Hiến pháp (sửa đổi) quy định rất rõ rằng người dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe và danh dự, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức xâm hại thân thể, sức khỏe hay danh dự nào khác. Như vậy, cho dù với bất kỳ lý do nào, kể cả trong trường hợp người dân bị bắt để phục vụ điều tra, cơ quan nhà nước cũng không được xâm hại tới thân thể, sức khỏe và danh dự của người dân. Nếu cơ quan nhà nước vi phạm điều này tức là đã vi phạm Hiến pháp và người dân có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đồng thời truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ và cơ quan vi phạm. Các quyền bất khả xâm phạm nói trên là những quyền cơ bản rất mạnh, chúng nằm ở giá trị cốt lõi của công lý và vì vậy bản thân luật có lẽ cũng không thể đưa ra những hạn chế hợp lý đối với những quyền đó.
Các quyền cơ bản trên đây của người dân lại được hỗ trợ bởi một quyền cơ bản khác trong lĩnh vực tư pháp, cũng được Hiến pháp (sửa đổi) quy định theo hướng mới tiến bộ hơn, đó là quyền bào chữa. Điều 31, Khoản 4 quy định người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Như vậy là theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi), ngay từ khi bị cơ quan nhà nước bắt vì bất kỳ lý do nào thì người dân đã có quyền có luật sư chứ không phải đợi tới khi cơ quan nhà nước cho phép hoặc khi bị truy tố thì mới có quyền này. Có thể nói quy định này cụ thể và tiến bộ hơn nhiều so với Hiến pháp 1992, vốn chỉ quy định người dân có quyền bào chữa khi nào bị xét xử tại tòa án (Điều 132, đoạn 1). Sự tham gia của luật sư ngay từ sớm trong quá trình tố tụng sẽ giúp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần bảo đảm ngăn ngừa tình trạng ép cung, mớm cung, gián tiếp thúc đẩy các cơ quan tư pháp hoạt động có trách nhiệm hơn và do đó sẽ góp phần tránh được tình trạng người dân bị xử oan, sai. Quyền được có luật sư ngay từ sớm trong quá trình tố tụng cũng sẽ gián tiếp giúp nâng cao và phát huy vai trò tích cực của luật sư trong hệ thống tư pháp và đời sống pháp luật của xã hội.
(Kỳ sau: Vị thế mới của quyền và nghĩa vụ công dân