Dữ liệu của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore năm 2024 cho thấy, quốc đảo này nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch đạt 1,17 tỷ SGD, giảm 2,58% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Singapore đạt gần 113,37 triệu SGD, tăng 4,99%, chiếm 9,68% thị phần.
Các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này bao gồm cá phi lê đông lạnh (chiếm 30,30%) và cá chế biến (chiếm 18,52%). Đặc biệt, nhóm thủy sản thân mềm (HS0307) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 117,92%.
Tuy nhiên, các nhóm cá tươi ướp lạnh (HS0302), cá đông lạnh (HS0303) và thủy sản thủy sinh (HS0308) đều giảm mạnh, lần lượt ở mức 48,59%, 30,1% và 31,82%.
Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore khẳng định, thủy sản Việt Nam không chỉ giữ vững vị trí quan trọng mà còn có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nếu tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Singapore trong năm 2024 đạt hơn 456,2 triệu SGD, tăng 10,73% so với năm 2023. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 với kim ngạch xuất khẩu đạt 128,9 triệu SGD, chiếm 28,25% thị phần.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN) |
Các nhóm gạo của Việt Nam đạt tăng trưởng cao như gạo nếp (kim ngạch 14,25 triệu SGD, tăng 4,6 lần), gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (kim ngạch 44,89 triệu SGD, tăng 65,73%), và gạo vỡ (kim ngạch 2,6 triệu SGD, tăng 113,63%).
Tuy nhiên, nhóm gạo tẻ trắng - mặt hàng chủ lực chỉ tăng nhẹ 0,24%, đạt kim ngạch 64,67 triệu SGD. Ngoài ra, nhóm gạo lứt thường cũng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước (kim ngạch 322.000 SGD, giảm 34,29%).
Hiện nay, các sản phẩm gạo Việt Nam tại Singapore chủ yếu được đóng gói và mang thương hiệu nội địa của nước sở tại, chưa xây dựng được nhận diện thương hiệu mạnh như các đối thủ từ Thái Lan, Ấn Độ hay Nhật Bản, trong khi việc quảng bá và giới thiệu mặt hàng gạo của Việt Nam tại thị trường vẫn còn khá ít.
Đây là thách thức lớn khi sau 2 quý đầu năm giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào thị trường Singapore, Việt Nam đã để mất thị phần cho Ấn Độ và Thái Lan trong 2 quý cuối năm.
Thị trường Singapore không chỉ là điểm đến tiêu thụ mà còn là trung tâm trung chuyển quan trọng cho các thị trường quốc tế khác. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy giá trị xuất khẩu, khẳng định thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực thủy sản và gạo.
Ông Cao Xuân Thắng nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn vào quảng bá thương hiệu, cải thiện chất lượng sản phẩm, và tận dụng vai trò trung chuyển của Singapore để mở rộng thị trường toàn cầu.
Để duy trì và nâng cao thị phần, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đang tích cực kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, tăng cường hiện diện sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và giảm chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh.