Là tỉnh được mệnh danh là "thủ phủ" của năng lượng tái tạo, Ninh Thuận đang gặt hái những thành công đáng kể trong việc phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời. Tính đến nay, tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã lên tới gần 6.500MW, chiếm khoảng 9-10% tổng công suất năng lượng tái tạo của cả nước.
Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời khẳng định vai trò của tỉnh Ninh Thuận trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng quốc gia.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành năng lượng tái tạo đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã xác định năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột phát triển, đồng thời đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư và phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, tạo ra bước đột phá trong ngành năng lượng.
Quang cảnh Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. |
Trong bối cảnh này, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo được tỉnh đặc biệt chú trọng. Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, với các chương trình đào tạo chuyên sâu, đã có những bước đi cụ thể nhằm góp phần vào việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cho các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đã chủ động xây dựng các chương trình đào tạo gắn với thực tiễn và xu hướng phát triển của thị trường lao động.
Ông Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận cho biết, nhà trường đã bám sát nhu cầu phát triển của tỉnh và xây dựng các chuyên ngành đào tạo mới như cơ điện tử theo tiêu chuẩn Đức. Học viên sau khi hoàn thành chương trình học sẽ được cấp chứng chỉ tương đương với bằng cao đẳng của Đức và có thể làm việc tại Đức hoặc các nhà máy điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang xây dựng Trung tâm đào tạo năng lượng tái tạo với sự hỗ trợ về đào tạo và thiết bị từ Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức và các doanh nghiệp lớn trong ngành. Mục tiêu của trường là trở thành trung tâm đào tạo chuyên ngành năng lượng tái tạo hàng đầu trong khu vực, cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án điện gió, điện mặt trời không chỉ ở Ninh Thuận mà còn cho toàn quốc.
Turbine gió của trụ điện gió Đầm Nại. |
Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận còn triển khai mô hình đào tạo kép, giúp sinh viên có cơ hội thực hành tại các doanh nghiệp ngay từ khi còn học. Mô hình này không chỉ tạo ra cơ hội học tập thực tế mà còn mở ra cánh cửa việc làm ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp.
Với mô hình đào tạo kép, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 85%, trong đó nhiều sinh viên đã làm việc tại các nhà máy điện gió và điện mặt trời, đảm nhiệm các vị trí quan trọng như vận hành và bảo trì. Điều này không chỉ khẳng định chất lượng đào tạo của trường mà còn phản ánh nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Các chương trình hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã hỗ trợ trường cung cấp các khóa học về an toàn và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời, giúp giảng viên và sinh viên nắm bắt nhanh các kỹ thuật hiện đại.
Theo ông Nguyễn Phan Anh Quốc, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là nội địa hóa nhân lực cho các dự án năng lượng tái tạo. Trước đây, công tác bảo trì và vận hành các dự án năng lượng tái tạo chủ yếu do các nhà đầu tư, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện. Tuy nhiên, với chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao, nhân lực Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu công việc trong ngành năng lượng tái tạo.