Khóa họp được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, phát đi từ trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ), với sự tham dự của đoàn đại biểu cấp cao từ 193 quốc gia thành viên, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn còn có đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Vụ Các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), Vụ Bình đẳng giới và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Khóa họp diễn ra từ ngày 15 đến 26-3 với nhiều sự kiện được tổ chức chung quanh chủ đề ưu tiên về “sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và hoạch định chính sách của phụ nữ trong đời sống xã hội cũng như xóa bỏ bạo lực nhằm đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái”.
Như thông lệ các năm trước, Phiên thảo luận chung của Khóa họp luôn được xem là phiên họp quan trọng nhất diễn ra tại phòng họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, có sự tham dự đông đủ nhất và cấp cao nhất của tất cả các quốc gia thành viên nhằm đánh giá, rà soát về việc thực hiện kết quả của Hội nghị thế giới lần thứ 4 và Khóa họp đặc biệt lần thứ 23 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phụ nữ, tập trung vào chủ đề ưu tiên.
Phát biểu tại Phiên thảo luận chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự hoan nghênh và nhất trí cao với chủ đề của Khóa họp, nhấn mạnh đây cũng đồng thời là những ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy thực hiện. Việc tăng cường sự tham gia và hoạch định chính sách của phụ nữ trong đời sống xã hội, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ dừng lại ở cam kết mà đã trở thành một thực tiễn sinh động ở Việt Nam. Hệ thống chính sách, pháp luật không ngừng được hoàn thiện. Công tác tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Hoạt động hợp tác với các đối tác phát triển và các tổ chức của Liên hợp quốc cũng luôn được đẩy mạnh nhằm thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong lĩnh vực này.
Những nỗ lực đó đến nay đã đưa lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Tính đến tháng 9 năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam là 27,31%, cao hơn tỷ lệ chung của thế giới.Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước của Việt Nam cũng đều là nữ. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng giảm, 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng… Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện tại, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang cùng phải đối mặt với không ít khó khăn. Tiến trình tham gia lãnh đạo, quản lý, làm chủ và quyết định trong đời sống xã hội của phụ nữ đang bị Covid-19 làm chậm lại. Phụ nữ và trẻ em gái càng trở nên yếu thế và dễ bị tổn thương hơn trước các nguy cơ bị xâm hại.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, những thách thức do đại dịch Covid-19 đặt ra cũng là vấn đề chung trên toàn cầu, vì vậy đòi hỏi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cần phải nỗ lực và đoàn kết hơn nữa, cũng như sẻ chia và hỗ trợ lẫn nhau, trong đó phụ nữ và trẻ em gái phải được đặt ở trung tâm của mọi nỗ lực phục hồi, được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ, trước mắt là được tiếp cận vaccine Covid-19. Sự đại diện, tiếng nói, vai trò của phụ nữ càng không thể thiếu được trong mọi quyết định của quốc gia. Nguồn lực cho công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cần được phân bổ nhiều hơn.
Phát biểu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng truyền đi thông điệp với thế giới rằng, Việt Nam khẳng định cam kết ưu tiên thực hiện bình đẳng giới, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, cùng nhau kiên cường vững bước trong thập niên hành động 2021 - 2030.
Cũng trong khuôn khổ Khóa họp từ ngày 15 đến 26-3, đoàn đại biểu Việt Nam đã và đang tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực vào các nội dung, văn kiện và kết luận chung của Hội nghị.
Khóa họp CSW năm ngoái không diễn ra theo kế hoạch do dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Vì vậy, việc tổ chức Khóa họp năm nay phản ánh sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm cao của Liên hợp quốc nhằm vượt qua thách thức, tiếp tục tiến về phía trước trong trạng thái bình thường mới, cùng nhau hành động để hoàn thành mục tiêu bền vững về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.