Theo số liệu WHO, tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 12 triệu bị THA, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có một người mắc THA. THA là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… làm cho hàng trăn nghìn người bị liệt, tàn phế, hoặc mất sức lao động mỗi năm. Đáng chú ý, các bệnh tim mạch đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm 33% tổng số ca tử vong trên cả nước. Hầu hết người bị THA không có biểu hiện triệu chứng gì và thậm chí không biết mình bị bệnh.
Kết quả điều tra của Bộ Y tế (năm 2015) cũng cho thấy, hiện có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu bia, trong đó gần một nửa uống ở mức nguy hại. Người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so khuyến nghị của WHO và khoảng 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực… Đây là yếu tố nguy cơ chính gây THA, hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng tim mạch. Đặc biệt, trong số 12 triệu người mắc THA ở cộng đồng hiện nay, có gần 60% chưa phát hiện được và hơn 80% chưa được điều trị…
Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, TS, BS Vũ Quỳnh Nga cho biết, THA là bệnh mạn tính và tiến triển một cách âm thầm, nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng, gây biến chứng tim mạch trầm trọng và việc điều trị sẽ rất tốn kém. Trong khi đó, việc phát hiện sớm bằng đo huyết áp rất đơn giản và ít tốn kém…
Do vậy, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội và theo đề xuất của các địa phương, thời gian qua, Bệnh viện Tim Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn quản lý THA và bệnh tim mạch cho y tế cơ sở tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Điển hình như, từ đầu năm 2018 đến nay, Bệnh viện đã tổ chức gần 20 buổi tập huấn, với hơn 500 học viên là các y bác sĩ tại các bệnh viện, trung tâm y tế của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Ngay sau lễ mít-tinh, các y bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Đông Anh triển khai đo huyết áp, sàng lọc huyết áp cho 500 người dân trong độ tuổi hơn 40; khám, tư vấn cho 200 người THA…, TS, BS Vũ Quỳnh Nga cho biết thêm.