Những sai lầm khi lựa chọn lăn kim làm đẹp

NDO - Sử dụng phương pháp lăn kim vi điểm trên da có mụn trứng cá, mụn mủ, viêm hoặc nốt sần sẽ khiến vi khuẩn trên kim lây lan trên da đến đến tình trạng mụn xuất hiện nhiều hơn. Lăn kim không phải là phương pháp điều trị mụn trứng cá.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau 3 lần lăn kim trị mụn, chị Hoàng Minh Th. (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy tình trạng mụn không thuyên giảm mà còn sưng tấy vùng mụn, nhiều mủ viêm hơn. Nhân viên spa nơi chị điều trị tư vấn cứ tiếp tục điều trị vì đây đang là thời gian đẩy mụn. Tuy nhiên, tình trạng sưng tấy làm chị rất khó chịu, nhất là thời điểm giao mùa hanh khô như vừa qua nên đã đến bệnh viện thăm khám.

Thạc sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu-Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, lăn kim vi điểm là thủ thuật xâm lấn tối thiểu đến làn da của bạn. Bác sĩ da liễu sử dụng những chiếc kim mỏng lăn trên bề mặt da tạo ra những lỗ nhỏ li ti. Các tổn thương này, kích thích quá trình chữa lành làn da, tăng khả năng tạo collagen và elastin. Những protein này giữ cho làn da của bạn săn chắc và mịn màng.

Phần lớn, lăn kim được thực hiện trên mặt nhưng cũng có thể ở chân, lưng hoặc các khu vực khác mà bạn nhận thấy da có tổn thương hoặc lão hóa.

Việc nhiều người lầm tưởng lăn kim điều trị mụn, bác sĩ Anh Thư nhấn mạnh, do hiểu sai thông tin hoặc do cơ sở làm đẹp, thông tin mạng xã hội đưa những thông tin không chính xác. Lăn kim có khả năng làm đầy và săn chắc da nên phương pháp điều trị này có tác dụng với các vết sẹo rỗ sau mụn trứng cá nhưng không có tác dụng đẩy nhân mụn lên.

"Vì mụn chứa vi khuẩn bên trong nên sử dụng phương pháp lăn kim vi điểm trên da có mụn trứng cá, mụn mủ, viêm hoặc nốt sần sẽ khiến vi khuẩn trên kim lây lan trên da đến đến tình trạng mụn xuất hiện nhiều hơn. Ngoài ra, lăn kim tạo ra những vết xước nhỏ nên có thể dẫn đến mụn trứng cá bùng phát nhanh chóng", bác sĩ Thư cho hay.

Nếu bạn có mụn mủ, mụn nhọt, viêm nhiễm, nốt sần hoặc bất kỳ dạng mụn nào đang xuất hiện tuyệt đối không lăn kim. Do kim sẽ tiếp xúc với vi khuẩn gây mụn dưới bề mặt da làm lây lan, kích ứng và bùng phát ngày càng nặng hơn.

Ngoài ra, khi da có các tình trạng sau cũng không nên lăn kim: Rối loạn máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu; ung thư và đang hóa trị hoặc xạ trị; da thường xuyên phát ban (viêm da tiếp xúc) hoặc mụn rộp; cơ địa sẹo lồi; trên vùng lăn kim có các nốt ruồi hoặc các khối u khác thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc chảy máu; các tình trạng về da như viêm da cơ địa hoặc bệnh vảy nến.

Do đó, bác sĩ Thư khuyến cáo, sẹo mụn là hiện tượng do quá trình nặn mụn không đúng cách để lại, xuất hiện các vết thâm, sẹo lõm, sẹo lồi,… Do đó, khi điều trị mụn mỗi người cần chọn lọc kỹ các thông tin được giới thiệu, kiểm chứng trước khi áp dụng và nên chọn cơ sở làm đẹp uy tín, tốt nhất nên đến bệnh viện có bác sĩ da liễu để được tư vấn và đúng chuyên môn.

Lăn kim hoạt động với cơ chế tạo ra các vết thương nhỏ trên da làm kích hoạt phản ứng chữa lành vết thương tự nhiên của cơ thể, giải phóng các chất kích thích tăng trưởng, các mạch máu mới, tạo nhiều collagen hơn.

Phương pháp này được ứng dụng điều trị các tình trạng da mất độ săn chắc, nếp nhăn, lỗ chân lông to, sản xuất dầu (bã nhờn) quá mức, vết rạn da, sẹo rỗ sau mụn… Do đó, lăn kim không mang lại hiệu quả trong điều trị mụn, đặc biệt nếu lăn kim khi da đang viêm sẽ làm mụn trầm trọng hơn.