ArtTech Fusion 2024, nơi giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cho cuộc sống

NDO - Ngày 22/10, tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), Chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion 2024 (ATF24) với chủ đề “New ArtTech For Future Generations” (ArtTech-Sự kết hợp mới cho thế hệ tương lai vì sự bền vững) đã chính thức diễn ra. Sự kiện do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với 11 trường đại học trên thế giới tổ chức.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại ArtTech Fusion 2024.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại ArtTech Fusion 2024.

ATF24 diễn ra từ ngày 22-24/10, là ngày hội lớn của cộng đồng công nghệ nghệ thuật sáng tạo mang tên ArtTech Fusion.

Chương trình dự kiến thu hút khoảng 4.500 người tham dự, gồm các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nghệ sĩ, chính quyền, giảng viên và sinh viên đam mê lĩnh vực ArtTech trong và ngoài nước.

Tại ATF24, các công nghệ mới nhất như NFT, trí tuệ nhân tạo (AI), chiến lược thiết kế hậu kỹ thuật số, ngôn ngữ lập trình trực quan, tương tác thời gian thực... giao thoa với nghệ thuật tạo nên giá trị cho tương lai bền vững cũng chính thức được thảo luận, giải mã.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ATF24 là một nền tảng tích hợp công nghệ nghệ thuật ArtTech nhằm thúc đẩy tiềm năng sáng tạo và đổi mới của thế hệ trẻ, nuôi dưỡng tư duy độc đáo, khả năng giải quyết vấn đề linh hoạt và óc sáng tạo không giới hạn của thế hệ những nhà lãnh đạo tương lai.

ArtTech Fusion 2024, nơi giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cho cuộc sống ảnh 1

Quang cảnh lễ khai mạc ArtTech Fusion 2024.

“ATF24 không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững của cá nhân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội bền vững”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong cho biết và thêm rằng bằng cách khuyến khích sự giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật, ATF24 tạo tiền đề cho những sáng kiến và giải pháp mới góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển hài hòa và bền vững của cộng đồng.

Trong bài thuyết trình của mình, Giáo sư Martin Kaltenbrunner (Đại học Arts Linz, Áo) mang đến một góc nhìn thấu đáo và đầy tham vọng về tương lai của nghệ thuật truyền thông trong kỷ nguyên hậu kỹ thuật số.

Đây được xem xét là cách các phương pháp thiết kế hiện đại, sau giai đoạn kỹ thuật số bùng nổ, được áp dụng trong sáng tạo và nghệ thuật tại Áo.

Theo đó, Giáo sư Martin Kaltenbrunner nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cân bằng giữa sự tinh tế của các phương pháp thủ công và sức mạnh của công cụ kỹ thuật số trong quá trình sáng tạo.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Trịnh Thùy Anh (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), cùng các giáo sư, chuyên gia quốc tế gồm Giáo sư Andrea Giansanti (Italy), Giáo sư Martin Kaltenbrunner… thảo luận về sự cần thiết của hợp tác để xây dựng một cộng đồng ArtTech hướng đến giải quyết các vấn đề bền vững.

ArtTech Fusion 2024, nơi giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cho cuộc sống ảnh 3

Sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tham quan triển lãm nghệ thuật tại ArtTech Fusion 2024.

Đồng thời, các giáo sư, chuyên gia thảo luận các nội dung xoay quanh cách thức cộng đồng ArtTech tại Việt Nam đang hợp tác để phát triển các giải pháp công nghệ nghệ thuật nhằm giải quyết các vấn đề bền vững tại địa phương; việc ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật tại Italy, Macau… để xây dựng cộng đồng ArtTech, hướng đến các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức về bền vững.

ATF24 có hơn 30 hoạt động học thuật, thực tiễn gồm 5 bài tham luận chính (Keynote Speeches), 10 phiên thảo luận đặc biệt (Special Sessions), 5 phiên thảo luận song song (Parallel sessions), 5 Workshops, 1 ấn phẩm sách học thuật (Book Chapter), 9 triển lãm (Exhibitions), 1 chuyến kết nối di sản (Heritage Connection Trip), 1 buổi biểu diễn nghệ thuật (Tangible Performance).