COP27 đạt thỏa thuận đột phá về quỹ khí hậu

Kết thúc Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập, các nhà đàm phán đã đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về vấn đề gai góc nhất, theo đó lập một quỹ đền bù cho những nước nghèo chịu tác động của tình trạng thời tiết cực đoan trầm trọng hơn do phát thải của các nước giàu.
0:00 / 0:00
0:00
Các quốc gia cần nỗ lực hơn để giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: REUTERS
Các quốc gia cần nỗ lực hơn để giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: REUTERS

Lập quỹ đền bù cho các nước nghèo

Theo kế hoạch ban đầu, Hội nghị COP27 diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh trên bờ Biển Đỏ của Ai Cập từ ngày 6/11 và sẽ bế mạc vào ngày 18/11. Tuy nhiên, Ai Cập thông báo các cuộc đàm phán tại COP27 kéo dài thêm một ngày, đến ngày 19/11. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập đồng thời là Chủ tịch COP27 - ông Sameh Shoukry cho biết, các nhà đàm phán cần thêm thời gian để thống nhất những nội dung quan trọng của một thỏa thuận cuối cùng, trong đó có nội dung về quỹ bồi thường cho những nước nghèo chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Tại những cuộc đàm phán ở COP27, các nước nghèo đóng góp ít lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính đã thống nhất kêu gọi việc thành lập quỹ nêu trên. Theo dự thảo đề xuất đền bù, còn gọi là vấn đề “tổn thất và thiệt hại”, các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng các nguồn kinh phí tư nhân và từ những thể chế tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, đề xuất không ràng buộc việc lập quỹ mới với nỗ lực giảm phát thải, hay hạn chế chỉ các nước dễ bị tổn thương nhất mới được nhận đền bù như đề xuất trước đó của Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận cuối cùng của hội nghị tái khẳng định mục tiêu nêu ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C so mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock kêu gọi tất cả các quốc gia giảm đáng kể lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính trước khi kết thúc thập kỷ này, đồng thời cho rằng mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái đất ở 1,5 độ C chỉ có thể thực hiện được khi các quốc gia tích cực giảm lượng phát thải ngay từ bây giờ. Bà khẳng định, việc thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu, chẳng hạn như những mối quan hệ mà Đức đã ký kết với Nam Phi hay một số quốc gia công nghiệp khác ký kết với Indonesia, là một cách thức quan trọng để giảm lượng khí thải.

Các nước giàu cam kết tăng đóng góp

Tại Hội nghị COP27, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cam kết nước này sẽ tăng khoản đóng góp cho Quỹ thích ứng khí hậu quốc tế. Quỹ được thành lập năm 2001 theo Nghị định thư Kyoto trong khuôn khổ Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, nhằm tài trợ cho những dự án và chương trình ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Từ năm 2010 đến nay, quỹ đã cung cấp 923,5 triệu USD cho các dự án và chương trình, trong đó có 132 dự án cụ thể. Đức là một trong số các quốc gia đóng góp tích cực cho quỹ này. Năm ngoái, Đức đã tăng đóng góp cho quỹ thêm 50 triệu euro (tương đương 51,7 triệu USD), nâng tổng mức đóng góp của nước này lên 440 triệu euro. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Berlin sẽ đóng góp thêm 60 triệu euro cho quỹ.

Trong khi đó, tại COP27, lần đầu Hàn Quốc đóng góp cho Quỹ thích ứng khí hậu quốc tế. Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, nước này cam kết góp 2,72 triệu USD trong vòng ba năm giúp các nước đang phát triển ứng phó những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu.

Dù các quốc gia phát triển đã hứa sẽ tăng gấp đôi tài trợ cho các chương trình thích ứng với khí hậu lên mức 40 tỷ USD/năm đến năm 2025, song Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed nhận định, con số 40 tỷ USD chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 300 tỷ USD hằng năm mà các nước đang phát triển cần để thích ứng biến đổi khí hậu vào năm 2030.

Bà Mohammed cũng kêu gọi các nước hỗ trợ nhiều hơn nữa để bảo đảm các hệ thống cảnh báo sớm đối với biến đổi khí hậu có phạm vi phủ sóng toàn cầu 100% trong vòng 5 năm tới. Theo Phó Tổng Thư ký LHQ, 60% dân số châu Phi không được tiếp cận với hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả - một công cụ cơ bản nhất để cứu sống và bảo vệ sinh kế của người dân.