Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết tại COP27

Thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng và suy giảm kinh tế, nhiều quốc gia không thể triển khai thực hiện các cam kết của mình tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế vẫn đánh giá cao Việt Nam vì những nỗ lực tích cực trong hiện thực hóa các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ giải pháp và lộ trình của Việt Nam trong thực hiện các cam kết với Ngân hàng Thế giới về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ giải pháp và lộ trình của Việt Nam trong thực hiện các cam kết với Ngân hàng Thế giới về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN

Trong gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP26, Việt Nam là một trong số những quốc gia đã có những hành động ngay lập tức. Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; đồng thời, đưa ra lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

Tại COP27, dù là quốc gia đang phát triển, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết một cách mạnh mẽ với quốc tế về chuyển đổi năng lượng, đẩy mạnh giảm phát thải trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Một lần nữa, Việt Nam khẳng định lại cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết được đưa ra tại COP26. Tuy nhiên, phái đoàn Việt Nam cũng lưu ý rằng, việc vừa bảo đảm an ninh năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế, vừa giảm phát thải khí nhà kính là một bài toán khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về cả nguồn lực và công nghệ.

Trong Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 vừa trình Liên hợp quốc, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế, tăng vượt bậc so NDC năm 2020 (27%). Liên quan đến chuyển dịch năng lượng công bằng, Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Tham gia COP27, phái đoàn của Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, các sáng kiến liên quan quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhằm thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam, phái đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động song phương với các tổ chức quốc tế, định chế tài chính và các doanh nghiệp lớn…

Khép lại COP27, nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận Sharm El-Sheikh chưa đáp ứng đủ kỳ tham vọng về cắt giảm khí thải, chưa "theo kịp" được mức độ cấp bách của biến đổi khí hậu. Song, việc các bên thống nhất thành lập quỹ để bù đắp tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu, được đánh giá là "thành tựu lịch sử", phản ánh quyết tâm và ý chí chính trị cao nhất từ tất cả các bên, dù những điều khoản chi tiết về hoạt động của quỹ này sẽ phải chờ thêm ít nhất một năm nữa, đến khi lãnh đạo các quốc gia tiếp tục thảo luận tại COP28, dự kiến diễn tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào cuối năm 2023.