Ngày 16/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đã có buổi tiếp và làm việc cùng Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Vương quốc Anh Matthew Rycroft về công tác phòng, chống mua bán người giữa hai quốc gia.
Hai bên tập trung thảo luận về việc hợp tác trong công tác phòng, chống mua bán người, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023).
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hội đánh giá cao việc hợp tác giữa Việt Nam-Vương quốc Anh, đặc biệt là trong công tác đấu tranh với nạn mua bán người tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Trong thời điểm phải chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn dành sự quan tâm lớn tới công tác phòng, chống mua bán người với nhiều hành động và các quy định nhằm ngăn ngừa nạn mua bán người. Cụ thể như: Tổng đài Quốc gia 111; ký kết quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người giữa bốn Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao…
(Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi)
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi thông tin thêm, để ngăn chặn nạn mua bán người mạnh mẽ hơn nữa, Việt Nam đã ban hành Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Chương trình kỳ vọng xóa bỏ nạn mua bán người bằng nhiều biện pháp tổng thể, đồng bộ về hợp tác quốc tế, truyền thông, khả năng tiếp nhận và xử lý trường hợp, hỗ trợ nạn nhân… Bên cạnh đó, việc mua bán người tại Việt Nam phần lớn xảy ra tại các vùng biên giới Trung Quốc và Cam-pu-chia. Thậm chí các nạn nhân cũng có thể bị di chuyển tới châu Âu hoặc Australia, khiến công tác ngăn chặn đòi hỏi phải có sự hợp tác từ nhiều quốc gia.
Tại buổi tiếp, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Vương quốc Anh Matthew Rycroft tin tưởng, vấn đề di cư và xuất nhập cảnh sẽ là trọng tâm hợp tác giữa hai quốc gia trong tương lai, trong đó, nạn mua bán người là một vấn đề vô cùng nhức nhối, cần đấu tranh và ngăn chặn.
Ông Matthew Rycroft đề cao sự cần thiết của công tác truyền thông, thúc đẩy việc ngăn ngừa mua bán người từ giai đoạn ban đầu, nâng cao nhận thức của người dân để tránh khỏi việc trở thành nạn nhân của mua bán người xuyên quốc gia. Hơn thế nữa, hai quốc gia cũng cần tăng cường phát hiện, truy tố và xử lý mạnh tay tội phạm mua bán người cũng như các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán.
Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kêu gọi và mong muốn sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa với các bên liên quan trên nhiều mặt, nhất là với Vương quốc Anh.
Hai nước cần tiếp tục hợp tác cùng nhau với nhiều nội dung trong công tác phòng, chống mua bán người. Đó là: hoàn thiện các chính sách, pháp luật; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng; mở rộng thêm nhiều mô hình ngăn chặn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán; chia sẻ thông tin…
Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Matthew Rycroft đề nghị được tiếp tục tài trợ, hỗ trợ và mở rộng thêm nhiều dự án, chương trình liên quan tới phòng, chống mua bán người tại Việt Nam thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong ba năm tới. Đây là hành động thể hiện sự nỗ lực lớn của Vương quốc Anh đối với việc ngăn chặn vấn nạn mua bán người trái phép trên toàn thế giới.