Ưu điểm vượt trội của giải pháp này là tận dụng nguyên liệu quen thuộc, sẵn có, thực phẩm dư thừa, để cho ra đời những sản phẩm không độc hại, thân thiện sức khỏe người dùng, với chi phí cực thấp và bất cứ đâu cũng có thể áp dụng. Đây là kết quả thực chất, thành công vượt mong đợi ban đầu của người đưa ra ý tưởng thực hiện, đồng thời là cơ sở thuyết phục để tiếp tục thúc đẩy đưa IMO nhân lên rộng khắp hệ thống trường học toàn tỉnh Đồng Nai ngay từ đầu năm học mới này và cả khu vực vệ sinh công cộng.
Hầu hết không gian nhà vệ sinh trường học chưa sạch sẽ, nhiều nơi xuống cấp kèm theo hiện tượng rỉ nước bốc mùi hôi khó chịu, trở thành nỗi “khốn khổ” đối với rất nhiều học sinh. Đó là thực tế tồn tại suốt thời gian dài và người trong cuộc loay hoay xử lý tình thế, chưa tìm ra cách khắc phục hiệu quả. Tuy nhiên, kể từ khi IMO xuất hiện nơi học đường một năm trở lại đây, hình ảnh, chất lượng nhà vệ sinh ở đa số trường học trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã thật sự cải thiện, mang lại cho học sinh môi trường trải nghiệm khác biệt.
Dễ làm, chi phí thấp, lợi ích “kép”
“Trước kia mỗi lần nhắc đến nỗi “ám ảnh” trong trường, tụi em luôn luôn nhắc đến cái phòng vệ sinh, tại vì đây là nơi rất nhiều vi khuẩn xấu xâm hại, có mùi hôi cũng như rất dơ bẩn. Nhưng từ khi nhà trường áp dụng IMO đưa những vi khuẩn tốt, có lợi vô tiêu diệt, hạn chế những vi khuẩn xấu, có hại, thì IMO đã giúp cho tụi em có những phòng vệ sinh rất thoải mái, không gian yên tĩnh hơn, thơm tho, sạch sẽ hơn. Bây giờ em rất muốn IMO được nhân rộng mạnh mẽ ở các ngôi trường khác, giúp các bạn không còn “sợ hãi” khi bước vô nhà vệ sinh”, học sinh Phạm Ý An, lớp 7/4, trường trung học cơ sở Xuân Mỹ, xã Xuân Mỹ, chia sẻ.
Ở đây, IMO được thầy cô và học sinh thao tác trong phòng nuôi cấy men chuyên biệt, pha với nước thành dung dịch và sử dụng máy lọc phun sương tự động ở 8 nhà vệ sinh. Nhân viên lao công thường bật máy khử mùi ba lần vào khung giờ buổi sáng trước khi vào học, giờ ra chơi và cuối buổi học hằng ngày.
Nhà khoa học miệt mài sáng tạo chế phẩm vi sinh vì nông dân
Thầy Đào Xuân Nam, giáo viên bộ môn Khoa học-Tự nhiên, Trường trung học cơ sở Xuân Mỹ, cho hay, khi mới tiếp cận với IMO, thì thầy cô và học trò cũng chưa hiểu rõ lắm, nhưng sau khi Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện tuyên truyền, hướng dẫn, nhà trường phân công một số giáo viên trực tiếp “cầm tay chỉ việc” các em thực hành nuôi cấy, tạo ra chế phẩm IMO áp dụng tại trường cũng như ở nhà. Quá trình làm những ngày đầu tiên gặp một số khó khăn, thậm chí thất bại, nhưng chúng tôi vừa làm vừa học hỏi, cải tiến để có được câu phản hồi cửa miệng từ phía các em học sinh “thầy ơi, nhà vệ sinh trường mình không có mùi hôi gì cả” như hôm nay.
Theo cô Trần Thị Trang, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Bình, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, làm quen với IMO từ đầu năm học 2023-2024, nhà trường được tập huấn kiến thức, quy trình và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp vật tư ban đầu. Những sản phẩm trường tự làm ra bao gồm: nước rửa chén, nước xịt muỗi và nước khử mùi phòng vệ sinh, đem lại lợi ích nhiều mặt. Chi phí ít tốn kém nhờ nguyên liệu chủ yếu tận dụng vườn sả trồng trong khuôn viên trường, vỏ chuối, vỏ cam sau khi các bé ăn uống và sữa chua lưu mẫu lại theo dõi khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ.
Học sinh trường Trung học cơ sở Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ luôn hào hứng với những tiết học IMO. |
Hiệu quả rất tốt dễ nhận thấy khi đưa sản phẩm IMO vào sử dụng ở các lớp học là không còn muỗi, không gian thơm mùi tự nhiên. Nước rửa chén rất thích hợp dùng cọ rửa đồ inox, sáng bóng mà lại tiết kiệm lượng nước sử dụng đáng kể so với dùng hóa chất tẩy rửa thông thường. Nơi đây còn sử dụng các chế phẩm từ men vi sinh IMO để lau chùi sàn nhà, vệ sinh đồ chơi. Đổ chế phẩm xuống bồn cầu, nhà vệ sinh hoàn toàn không còn mùi hôi.
Đó là lý do nhân viên cấp dưỡng, giáo viên nhà trường chủ động tranh thủ thời gian rảnh rỗi, duy trì sản xuất chế phẩm IMO đều đặn hằng tuần, dư sức đáp ứng nhu cầu sử dụng nội bộ. Cùng với đó, tích cực lan tỏa thông tin trong cộng đồng Zalo của các nhóm lớp cho phụ huynh tự giác tham gia làm ở nhà và đăng tải trên webside, Facebook của trường, trang cá nhân của từng giáo viên để thu hút các hộ dân quan tâm, hưởng ứng.
Khẳng định việc triển khai IMO xuyên suốt năm học vừa qua, từng bước đi vào nền nếp, đặc biệt thành công ở bậc học mầm non, đã tạo được nhận thức sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh địa phương, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Cẩm Mỹ Bùi Thị Vinh cho rằng: “Để duy trì mô hình lâu dài, bền vững, trước hết vẫn cần nâng cao ý thức không chỉ trong môi trường giáo dục mà phải có sự chung tay của gia đình, xã hội với nhà trường. Có như vậy mới tháo gỡ được cái khó ở các trường tiểu học, phổ thông hiện nay không có nhân lực chuyên sâu làm công việc này và nguồn lực hạn chế, đòi hỏi tinh thần tự nguyện xã hội hóa”.
Đề cập kinh nghiệm phát triển mô hình nhanh mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Phương cho biết, địa phương tạo lập nhóm Zalo IMO quy tụ đầy đủ 59 thành viên trường học toàn huyện, thường xuyên gửi hình ảnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra, giám sát thấy đơn vị nào chưa thao tác, ứng dụng đúng thì kịp thời hướng dẫn điều chỉnh ngay. Các trường mầm non thuận lợi hơn vì có bếp ăn tại chỗ, phát sinh vật phẩm dư thừa, song, đối với các trường phổ thông, nên đẩy mạnh giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa.
Cụ thể, thay vì thu một khoản phí vệ sinh theo quy định cho phép để thuê lao công dọn dẹp, thì nhà trường nên dùng để mua men gốc, vật phẩm tạo men rồi thầy trò tự làm chế phẩm khử mùi, giữ nhà vệ sinh thoáng đãng, sạch sẽ. Từ kết quả thu về rõ rệt, sắp tới huyện sẽ mở rộng triển khai IMO ở các cây xăng, văn phòng công sở.
Các sản phẩm mô hình xử lý mùi hôi IMO tại Trường mầm non Thanh Bình, huyện Cẩm Mỹ. |
Cần khuyến khích nhân rộng
Để có cơ sở đánh giá thuyết phục, từ đó, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành nhân rộng mô hình IMO trong các trường học toàn tỉnh, ngày 6/9 vừa qua, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng Sở Giáo dục và Đào tạo và đại diện một số sở, ngành đã có chuyến khảo sát thực tế tại 3 trường học trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ. Trước đó, tháng 8/2023, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai đã hỗ trợ kinh phí để huyện có điều kiện triển khai đồng loạt mô hình này tại các trường học, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của thầy cô giáo, nhân viên nhà trường, phụ huynh, học sinh trong việc tận dụng các phế phẩm vi sinh vật bản địa để xử lý mùi hôi, thanh lọc không khí tại nhà vệ sinh, giúp không còn cảm giác khó chịu.
Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo cung cấp tờ rơi hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tài liệu thực hành IMO cho 59 trường học; trang bị 560 thùng chứa, 128 bộ vật tư làm IMO khử mùi hôi nhà vệ sinh trường học, trong đó nhiều loại nguyên liệu gần gũi thiên nhiên như: mật mía, hộp men, sữa chua, trái cây, cám gạo.
Giáo viên, nhân viên trường mầm non Thanh Bình đang chuẩn bị nguyên liệu để làm chế phẩm khử mùi hôi phòng vệ sinh. |
Đến nay, sau một năm đi vào đời sống, phương pháp hữu dụng này đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi, nhiệt tình của nhiều giáo viên, học sinh, trở thành phong trào thi đua trong các nhà trường. Khu vực căn tin trường học được bố trí thùng chứa chất thải thực phẩm, rác thải thực phẩm được xử lý bằng IMO. Sau khi ủ, rác thực phẩm phân hủy hoàn toàn sẽ được dùng để chăm bón cây xanh trong khuôn viên trường học.
Đánh giá cao nỗ lực các phòng, ban của huyện, giáo viên nhà trường đã truyền dạy cho học sinh biết cách tạo men, cấy men, ứng dụng men để vệ sinh bồn cầu, tạo thói quen phân loại rác thải tại nguồn để tái chế thành phân hữu cơ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai Cao Tiến Dũng nhận định những việc làm này không ngừng nhân lên sẽ góp phần xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức cao trong ứng xử với môi trường và sau này hình thành xu hướng sản xuất xanh, sạch, hữu cơ, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Đây cũng là tiền đề tốt đẹp để Ban Dân vận Tỉnh ủy đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cho thực hiện mô hình văn minh đô thị vào năm sau.
Gợi mở huyện Cẩm Mỹ đưa mô hình này đến các cây xăng, công viên, nhà máy xí nghiệp, cơ quan công sở, hộ dân, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai vào cuộc triển khai rộng khắp đến tất cả trường học trên phạm vi toàn tỉnh ngay từ đầu năm học mới 2024-2025.
Nhấn mạnh, muốn thay đổi thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường cho cả một thế hệ thì không đâu giáo dục tốt bằng nhà trường, đồng thời, xem đây là cách làm thiết thực, tiên phong góp phần hướng tới mục tiêu Net Zero mà Nghị quyết Tỉnh ủy Đồng Nai đã đề ra, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy lưu ý Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, phát hành tài liệu hướng dẫn tạo men IMO từ nguyên liệu bản địa có khả năng ứng dụng phổ biến, để cấp phát rộng rãi cho học sinh, công nhân trên địa bàn.