Vì sao tiền điện tháng 8 của hàng trăm nghìn khách hàng ở TP Hồ Chí Minh tăng cao

NDO - Trong kỳ thanh toán tiền điện tháng 8/2023, chị Thái Thị Thu Hiền (ngụ phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức) “giật mình” khi hóa đơn tiền điện của gia đình lại tăng đến hơn 500 nghìn đồng so các tháng trước đó.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn người dân cách sử dụng điện hiệu quả.
Công nhân ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn người dân cách sử dụng điện hiệu quả.

Chị Hiền cho rằng, các sinh hoạt trong gia đình không phát sinh thêm các thiết bị điện hay sử dụng nhiều hơn so trước đây.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hà, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân cũng thắc mắc tiền điện của gia đình chị tháng 8 này cũng tăng hơn 450 nghìn đồng.

Sáng 5/9, trao đổi với ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được giải thích:

Trong tháng 8, ngành điện thành phố có thay đổi ngày ghi chỉ số điện đối với 400 nghìn khách hàng từ ngày trong tháng sang ngày cuối tháng để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng được tốt hơn.

Theo ông Kiên, việc chốt chỉ số điện vào ngày cuối tháng sẽ giúp khách hàng dễ nhớ hơn thay vì chốt vào ngày giữa hoặc gần cuối tháng như trước đây.

Khi thực hiện việc này, ngành điện đã gửi thông báo cho khách hàng trên các ứng dụng như zalo, app Chăm sóc khách hàng của ngành điện.

Vì sao tiền điện tháng 8 của hàng trăm nghìn khách hàng ở TP Hồ Chí Minh tăng cao ảnh 1

Trung tâm Điều độ hệ thống Điện Thành phố Hồ Chí Minh

Trước thắc mắc tại sao tiền điện tháng 8 lại tăng cao so các tháng trước, ông Kiên cho rằng, do thay đổi ngày ghi chỉ số nên thay vì bình quân 30 ngày như các tháng trước thì tháng 8, nhiều khách hàng được ngành điện chốt chỉ số với tổng số ngày sử dụng điện đến 45 ngày nên tiền điện cao hơn so bình thường. Việc thêm số ngày sử dụng điện cũng tương ứng với việc tăng tiền điện trong hoá đơn tiền điện. Trong phiếu báo tiền điện có ghi rõ vấn đề này để người dân tham khảo.

Theo ngành điện thành phố, tuy số ngày chốt và hóa đơn có thay đổi nhưng ngành điện không tính dồn bậc thang (theo quy định) mà việc kéo dài thời gian sử dụng thì bậc thang cũng sẽ được mở rộng theo số ngày tương ứng.

Được biết, vào đầu năm nay, việc thay đổi chỉ số ngày ghi điện đã được Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đối với khoảng 1 triệu khách hàng (tổng số khách hàng toàn thành phố là 2,6 triệu).

Thời gian tới, việc thay đổi chỉ số sẽ được thực hiện vào các thời điểm thích hợp để không làm ảnh hướng đến quá trình sử dụng điện của khách hàng.

Đối với ý kiến thắc mắc vì sao không tách ra 2 kỳ hóa đơn để số tiền sử dụng ít lại, ông Bùi Trung Kiên cho rằng, theo Điều 17 Nghị định 137 năm 2013 quy định, đối với các ngành dịch vụ như ngành điện, mỗi năm không được phát hành quá 12 kỳ hóa đơn. Nếu trong tháng chuyển ngày ghi điện mà phát hành 2 kỳ hóa đơn thì năm 2023 đơn vị phát hành đến 13 kỳ hóa đơn và vi phạm quy định.