Sở dĩ có chuyên gia kinh tế bắt đầu đặt vấn đề như vậy vì liên tục nhiều năm qua, Việt Nam luôn duy trì thặng dư thương mại trong hoạt động ngoại thương ngay cả trong những năm diễn ra đại dịch Covid-19. Từ một quốc gia nhập siêu, Việt Nam đã “lật ngược” tình thế, trở thành nước xuất siêu với kim ngạch hàng chục tỷ USD.
Đặc biệt trong tám tháng năm 2023, giá trị thặng dư thương mại của hàng hóa Việt Nam đã vượt mốc 20 tỷ USD, cho dù đây là năm thị trường thế giới có rất nhiều biến động, đơn hàng sụt giảm vì lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, giá trị xuất siêu của Việt Nam chủ yếu được tạo nên bởi nguồn thu từ xuất khẩu hàng hóa, trong đó đóng góp lớn thuộc về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nói như Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê, xuất siêu hàng hóa là rất tốt, nhưng chúng ta quá tập trung vào xuất nhập khẩu hàng hóa mà chưa quan tâm đến xuất nhập khẩu dịch vụ - lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều lợi thế.
Trong thực tế, Việt Nam đã nhập siêu dịch vụ lớn và liên tục trong nhiều năm qua với giá trị nhập siêu luôn vượt con số 10 tỷ USD/năm. Theo tính toán, nếu giảm 1% nhập siêu dịch vụ sẽ làm GDP tăng 0,36 điểm phần trăm. Con số này cho thấy xuất khẩu dịch vụ là nguồn thu lớn và mang lại nhiều tiềm năng kinh tế mới cho đất nước.
Việt Nam có nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển rất lớn như du lịch, tài chính, ngân hàng, vận tải và logistics..., là dư địa để cân đối lại cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ. Giải pháp cho vấn đề này là phát triển bền vững ngành du lịch vì xuất khẩu dịch vụ hầu như phụ thuộc chủ yếu vào ngành công nghiệp không khói.
Du khách quốc tế đến Việt Nam tiêu dùng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ sẽ tạo ra doanh thu như một nguồn xuất khẩu tại chỗ. Do đó, muốn giảm nhập siêu dịch vụ cần có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Đây không chỉ là bài toán riêng cho ngành du lịch mà là bài toán chung đặt ra cho nhiều ngành kinh tế và nhiều địa phương trong cả nước.
Để du lịch đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng, hướng tới cân đối cán cân xuất-nhập khẩu dịch vụ, phải nâng tầm trải nghiệm, tạo ra những sản phẩm du lịch có sức hút đối với khách quốc tế. Đó là tổng hoà của các yếu tố hấp dẫn từ văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, cảnh quan, cơ sở hạ tầng... Bên cạnh đó là cải thiện chính sách thị thực, phát triển kinh tế ban đêm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo ra nhiều trải nghiệm mới, cải thiện tình trạng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng sau đó không muốn quay lại.