Gia tăng người trẻ bị mắc ung thư dạ dày
Mới 25 tuổi, anh N.T.T đã mắc ung thư dạ dày di căn. Là lao động tự do, 4 tháng trước, anh T. đã có triệu chứng đau vùng thượng vị, ăn uống khó tiêu,… nhưng do công việc bận bịu và chủ quan nên không đi khám.
Khi bụng đau nhiều, ăn gì nôn đó bệnh nhân mới tới viện. Lúc này, ngoài biểu hiện của ung thư dạ dày, bệnh nhân còn có thêm một số biểu hiện ung thư giai đoạn muộn di căn phúc mạc như: bụng chướng, có dịch trong bụng.
Nội soi bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u gây hẹp dạ dày, thức ăn không trôi được xuống ruột non mà ứ đọng khiến bệnh nhân "ăn gì nôn đó".
Bệnh nhân đã được phẫu thuật để giải quyết tình trạng hẹp dạ dày cho bệnh nhân, sau đó người bệnh tiếp tục điều trị hoá chất. Đến nay đã được 1 năm, bệnh nhân vẫn đang điều trị.
Mới đây, một nam bệnh nhân 38 tuổi ở Hà Nội tình cờ phát hiện mắc ung thư dạ dày trong lần khám sức khỏe định kỳ. Trước khi đi viện khám, anh gặp một vài biểu hiện khá mơ hồ, đôi khi có cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu, ợ hơi và gần đây có hơi sút cân.
Cũng đến lịch khám sau 2 năm nội soi, nên anh đã đến Bệnh viện Việt Đức khám, phát hiện ung thư dạ dày.
Theo PGS, TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ung thư dạ dày là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao ở nước ta và đang có xu hướng trẻ hóa.
Riêng tại khoa Phẫu thuật tiêu hóa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trung bình một tuần phẫu thuật từ 2-3 ca ung thư dạ dày, trong đó có những ca tuổi đời còn rất trẻ.
"Chúng tôi gặp nhiều trường hợp dưới 45 tuổi, thậm chí có bệnh nhân dưới 30 tuổi. May mắn là ở những người trẻ, tỷ lệ phát hiện sớm cao hơn ở người lớn tuổi", bác sĩ Hà nói.
Vì ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, nên rất dễ bị bỏ qua. Người bệnh có thể chỉ xuất hiện các dấu hiệu ợ hơi, ợ chua, đau vùng thượng vị... Đây hoàn toàn có thể là những dấu hiệu chỉ điểm để nghĩ đến nguy cơ ung thư dạ dày và đi khám sớm.
Trên thực tế, nhiều người đến bệnh viện khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen... thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Theo thống kê của ngành y tế, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì ung thư dạ dày. Loại ung thư này gặp ở nam giới cao hơn nữ.
Cụ thể, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày trên 100.000 dân ở nam giới là 12, trong khi ở nữ là 9.
Trung bình một tuần, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật từ 2-3 ca ung thư dạ dày. |
Vì sao ung thư dạ dày gặp ở nhiều người trẻ?
PGS, TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện chưa xác định được nhân tố cụ thể gây ung thư dạ dày nhưng đã xác định được một số yếu tố nguy cơ, thuận lợi xảy ra bệnh trên cơ thể con người.
Đầu tiên phải kể đến các bệnh lý tiền ung thư nhưng không được điều trị kịp thời gây ra ung thư như: Viêm loét dạ dày mãn tính; một số tổn thương viêm, teo niêm mạc dạ dày; một số bệnh mang tính chất di truyền, gene; liên quan đến vi khuẩn HP…
Bên cạnh đó, môi trường sống có nhiều ảnh hưởng đến sự gia tăng của ung thư dạ dày. Đơn cử như khi làm việc trong môi trường căng thẳng làm cho tình trạng viêm, loét dạ dày kéo dài và khó chữa hơn, từ cơ sở đó tiến triển thành bệnh ung thư.
Ngoài ra, một số thói quen tạo tiền đề dễ phát triển ung thư dạ dày như: Lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá), ăn các loại thức ăn có nhiều nitrat như: Đồ muối, dưa muối, thịt hun khói…
Dù là bệnh nguy hiểm nhưng ung thư dạ dày vẫn chữa khỏi được nếu được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày nhờ hai chiến lược.
Một là tầm soát bệnh ở những đối tượng có nguy cơ như: Những trường hợp trong gia đình có người mắc ung thư; tiền sử mắc bệnh viêm, loét dạ dày kéo dài; mắc bệnh đa polyp ống tiêu hóa… Những trường hợp này cần khám định kỳ kể cả khi chưa có triệu chứng.
Hai là phát hiện nhờ vào những triệu chứng rất sớm của ung thư dạ dày. Đặc biệt, triệu chứng của ung thư dạ dày thường xuất hiện ở những vùng bụng trên rốn với các biểu hiện như: Bệnh nhân chỉ thấy tức bụng, đầy bụng sau khi ăn. Ngoài ra, bệnh nhân sau khi ăn cảm giác chậm tiêu hóa, ậm ạch…
PGS Hà khuyến cáo mỗi người cần được nội soi đường tiêu hóa ngay từ khi chưa có triệu chứng lâm sàng.
Theo đó, với người mắc các lý về bệnh dạ dày/có tiền sử gia đình hoặc người trên 55 tuổi nên thực hiện nội soi dạ dày mỗi năm một lần. Với các trường hợp khác nên nội soi 3 năm/lần. Ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi từ 70-90%.
Nhằm tư vấn người dân nhận biết triệu chứng sớm và điều trị ung thư dạ dày, ngày 24/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình khám, tư vấn miễn phí ung thư dạ dày với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tiêu hóa. Để được khám và tư vấn miễn phí, người dân có thể đăng ký trực tiếp qua tổng đài 19001902.