Vị Chủ tịch xã người Mường với kinh nghiệm xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới

NDO -

Một trong các đại biểu tham dự giao lưu trực tuyến "Gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II tại Báo Nhân Dân chiều 2-12 là anh Bùi Văn Đông, sinh năm 1977, là một cán bộ trẻ người dân tộc Mường. Anh Đông có thành tích đưa một xã miền núi từ điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ. 

Anh Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TRẦN HẢI
Anh Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TRẦN HẢI

Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, thời gian tới anh mong muốn góp sức xây dựng xã Tu Vũ trở thành xã nông thôn mới nâng cao, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Xây dựng nông thôn mới trước hết là phải xóa nghèo

Phượng Mao là một xã miền núi nằm ở phía Tây Nam huyện Thanh Thủy, có dân số khoảng 3.300 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm hơn 85%. Từng là xã đặc biệt khó khăn, đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế,... đều ở mức thấp, nhưng nhờ làm tốt công tác dân tộc, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và nông dân vùng đồng bào dân tộc ở Phượng Mao đã từng bước được nâng lên.

Tháng 9-2013, xã Phượng Mao được đưa ra khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn nhưng chỉ đến tháng 12-2017 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ. Việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở một xã miền núi với điều kiện khó khăn chỉ trong vòng hơn bốn năm là một thành tích đáng ghi nhận.

Anh Bùi Văn Đông chia sẻ, năm 2015 anh làm Chủ tịch UBND xã Phượng Mao trong bối cảnh xã vừa ra khỏi diện có điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) đặc biệt khó khăn, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới và gặp rất nhiều khó khăn.

“Khi đó Phượng Mao là xã thuần nông với vỏn vẹn chỉ hơn 3.000 nhân khẩu, lại chủ yếu là người dân tộc Mường, đời sống của bà con tại thời điểm đó gặp không ít khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, gần 10%, cơ sở hạ tầng thiếu thốn...”, anh Đông nhớ lại.

Thời điểm đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2014-2019 cũng đã xác định phấn đấu xây dựng xã Phượng Mao, xã dân tộc miền núi, trở thành xã nông thôn mới vào năm 2019. Triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND xã đã có nhiều mô hình phát triển KTXH dựa trên tiềm năng, thế mạnh của xã là một xã thuần nông.

“Chúng tôi đã thành lập các hợp tác xã như hợp tác xã rau an toàn, hợp tác xã bưởi, hợp tác xã chăn nuôi… và một số hợp tác xã liên doanh, sản xuất liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Từ đó, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ dễ dàng tiêu thụ được, tăng được thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nâng cao được đời sống người dân đồng thời phát triển được kinh tế - xã hội”, anh Đông chia sẻ.

Nhờ đó, sau ba năm quyết liệt triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Phượng Mao chính thức được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ vào ngày 22-12-2017, sớm hai năm so với mốc mà Nghị quyết đề ra.

Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã Phượng Mao ngày càng được cải thiện, nâng lên về mọi mặt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp hai lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 10% xuống chỉ còn 4,1%; cơ sở hạ tầng cơ bản được đầu tư đồng bộ, hiệu quả; cảnh quan môi trường được duy trì xanh - sạch - đẹp...

Vị Chủ tịch xã người Mường với kinh nghiệm xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới -0
Anh Bùi Văn Đông cùng các đại biểu dân tộc thiểu số tham gia giao lưu trực tuyến tại Báo Nhân Dân, chiều 2-12. Ảnh: TRẦN HẢI 

Phát huy nội lực, đưa Tu Vũ từng bước trở thành xã nông thôn mới nâng cao

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kể từ ngày 1-1-2020 xã Tu Vũ được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã: Tu Vũ (cũ), Yến Mao và Phượng Mao; có tổng diện tích tự nhiên hơn 2.550 ha, trong đó có hơn 1.820 ha là diện tích nông nghiệp; có dân số hơn 11.200 người sinh sống tại 19 khu dân cư, trong đó khoảng 60% là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mường).

Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Đông cho biết, trước khi sáp nhập, cả ba xã đều đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là xã nông thôn mới, do đó xã Tu Vũ có điều kiện thuận lợi để duy trì và từng bước nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các công tác: an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố chính quyền và bảo đảm trật tự an toàn xã hội đều được giữ vững.

Tuy nhiên, do là xã mới sáp nhập nên việc xây dựng nông thôn mới ở Tu Vũ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là do có xuất phát điểm thấp, có 2/3 xã được sáp nhập trước đây là xã có điều kiện đặc biệt khó khăn. Mặc dù cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, trình độ dân trí của người dân tộc thiểu số trên địa bàn còn chưa đồng đều, nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế.

Thêm vào đó là diện tích sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chủ yếu là rộc khe đồi núi phân thành nhiều hạng đất, gây khó khăn cho việc tập trung thành các ô, thửa lớn để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.

Ngoài ra, một số tiêu chí còn chưa thật sự bền vững như: đường giao thông ngõ xóm, hệ thống thủy lợi đầu tư từ những năm trước đã xuống cấp, tỷ lệ người dân tham gia BHYT có xu hướng giảm; các tiêu chí về cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa sau sáp nhập đều bộc lộ hạn chế về diện tích...

Theo Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Đông, thời gian tới cần khai thác tốt nhất tiềm năng thế mạnh, huy động mọi nguồn lực để bảo đảm duy trì và giữ vững các tiêu chí, phấn đấu đưa Tu Vũ trở thành xã nông thôn mới nâng cao.

Cụ thể, về phát triển kinh tế, với tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 50% cơ cấu kinh tế, Tu Vũ cần đẩy mạnh xây dựng những mô hình phát triển nông nghiệp hợp tác xã theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Tăng cường liên kết từ sản xuất tới bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, nhân rộng các mô hình hợp tác xã: rau an toàn, nuôi ong, nuôi ốc nhồi, dúi, nhím...

“Quan trọng nhất là phát huy thế mạnh nông nghiệp, phải làm sao để có các sản phẩm nông nghiệp sạch, có xuất xứ địa chỉ rõ ràng, có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương”, anh Bùi Văn Đông chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo anh Đông, xã cần tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn bảo đảm có tay nghề, có thể tham gia được cả ở lĩnh vực công nghiệp, có thể làm việc tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn và lân cận... từ đó có thu nhập ổn định. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

“Phấn đấu hết nhiệm kỳ 2020-2025, Tu Vũ trở thành xã nông thôn mới nâng cao, có tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% và giảm hằng năm, có thu nhập bình quân đầu người từ 60 triệu đồng trở lên, có tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt hơn 95%, và có ít nhất 2/19 khu dân cư kiểu mẫu”, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Đông bày tỏ.

Giao lưu các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II