Vì an ninh lương thực bền vững

Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Mỹ Latin và Caribe đã nhóm họp để đề ra lộ trình chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp-thực phẩm tại hội nghị khu vực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Hội nghị nhằm tìm giải pháp chung cho các thách thức chính đối với khu vực, trong bối cảnh các nước Mỹ Latin và Caribe được cho là nắm “chìa khóa” an ninh lương thực toàn cầu.

Các hộp thực phẩm được đóng gói tại Chicago, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Các hộp thực phẩm được đóng gói tại Chicago, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Mỹ Latin và Caribe sản xuất đủ lương thực cho khoảng 1,3 tỷ người, đáp ứng nhu cầu của 16,6% dân số thế giới. Theo ước tính của FAO, để duy trì đóng góp vào an ninh lương thực thế giới, Mỹ Latin và Caribe phải có đủ năng lực hỗ trợ thêm 300 triệu người trong vòng 28 năm tới. Đó là trách nhiệm lớn đối với khoảng 22 triệu nông dân và ngư dân trong khu vực, mà phần lớn là các hộ sản xuất quy mô vừa và nhỏ.

Với sự góp mặt của các bộ trưởng nông nghiệp từ tất cả 33 nước trong khu vực, hội nghị họp tại thủ đô Quito của Ecuador đã bàn hàng loạt chủ đề “nóng” gồm an ninh lương thực, tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đối với khu vực. Khuôn khổ chiến lược 2022-2031 của FAO cho khu vực Mỹ Latin và Caribe cũng được quyết định tại hội nghị. Mục đích chính của hội nghị là hỗ trợ các nước tiến tới các hệ thống nông nghiệp-thực phẩm hiệu quả, toàn diện và bền vững hơn trong bối cảnh thế giới đối mặt thách thức lớn về bảo đảm an ninh lương thực. Cuộc xung đột tại Ukraine đang đe dọa phá hủy thành quả đạt được trong nỗ lực bảo đảm nguồn cung lương thực cho hàng trăm triệu người dễ bị tổn thương trên thế giới.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu càng làm gia tăng sức ép đối với Mỹ Latin và Caribe. Theo Tổng Giám đốc FAO, Mỹ Latin và Caribe đang đối mặt tình hình phức tạp do tốc độ phục hồi kinh tế không như mong đợi.

Số liệu của FAO cho biết, năm 2020, trong tổng số 650 triệu dân Mỹ Latin và Caribe có 267 triệu người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực, tăng 60 triệu người chỉ trong một năm. Gần 60 triệu người bị thiếu đói triền miên. Một nửa dân số nông thôn sống trong nghèo đói, và 25% sống trong cảnh nghèo cùng cực.

FAO nhận định, khu vực cần chuyển đổi sang các hệ thống nông sản thực phẩm hiệu quả, bao trùm, linh hoạt và bền vững hơn, phù hợp các điều kiện và ưu tiên của mỗi quốc gia. Cuộc khủng hoảng hiện tại được dự đoán không phải là cuối cùng và Mỹ Latin, cũng như phần còn lại của thế giới, cần có tầm nhìn dài hạn, xác định phương hướng phát triển mới cho hệ thống nông sản thực phẩm.

Theo các chuyên gia, chìa khóa cho chuyển đổi chính là đổi mới, từ khoa học-công nghệ, số hóa, đến thể chế và hệ thống quản trị. Nếu không thay đổi, nỗ lực tăng cường an ninh lương thực chỉ là “vá tạm” các lỗ hổng hiện tại mà không thể sẵn sàng ứng phó các cuộc khủng hoảng tương lai.