Về việc thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) và Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải (Trường đại học Giao thông vận tải) vừa báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiến độ xây dựng đề án “Thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông”.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hà Nội kỳ vọng giải pháp thu phí xe ô-tô vào nội đô được triển khai sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Thành phố Hà Nội kỳ vọng giải pháp thu phí xe ô-tô vào nội đô được triển khai sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau, trong đó đề nghị tính toán kỹ hơn về thời gian, điều kiện hạ tầng để bảo đảm khả thi khi triển khai.

Lý giải về căn cứ thực hiện đề án, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, ngày 4/7/2017, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó có giải pháp xây dựng đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Giải pháp hạn chế ùn tắc

Tiếp đó ngày 5/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Trong phần nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Nghị quyết nêu rõ, giao Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh ngoài triển khai các nội dung theo quy định tại khoản 14 Mục này, cần tập trung thực hiện nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Đây là cơ sở quan trọng để Sở Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho Tramoc nghiên cứu và xây dựng đề án. Thực hiện nhiệm vụ này, Tramoc đã ký hợp đồng tư vấn với Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải thuộc Trường đại học Giao thông vận tải để tiến hành nghiên cứu và xây dựng đề án. Trong quá trình triển khai, hai đơn vị đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực liên quan và nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc.

Kết quả khảo sát trực tuyến về thu phí nội đô trên trang web của Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cùng một số kênh cộng đồng cũng như qua mã QR truy cập đường link khảo sát dán tại các nơi công cộng cho thấy: Tính đến ngày 10/10/2022, đã thu được 1.028 phiếu khảo sát. Trong số này, có 39,7% ủng hộ thu phí nội đô, 33,2% ủng hộ có điều kiện và 27,1% không ủng hộ việc thu phí.

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, mức phí chấp nhận được của người dân là 22,3 nghìn đồng. Nếu thu phí ở mức này, sẽ có khoảng 55% số người sử dụng phương tiện chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ô-tô bốn chỗ, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí. Vì vậy, mức phí tối thiểu phải lớn hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân thì mới có tác dụng điều tiết giao thông. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, việc thu phí này không nhằm mục đích tăng ngân sách mà mục tiêu chính là để hạn chế những chuyến đi không cần thiết từ khu vực ngoài Vành đai 3 vào trung tâm, qua đó hạn chế ùn tắc giao thông.

Theo đề án, Hà Nội dự kiến thu phí vào nội đô chia làm ba giai đoạn và bắt đầu thí điểm năm 2024. Giai đoạn thí điểm, sẽ thu phí trên chín trục đường nội đô có lưu lượng giao thông lớn, nguy cơ ùn tắc cao. Mức thu phí được xác định ít nhất 50.000 đồng và cao nhất 100.000 đồng/lượt xe ô-tô. Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Đến ngày 30/11/2025, sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và giai đoạn 3.

Cần tính toán kỹ lưỡng hơn

Báo cáo về đề án được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến khác từ dư luận và các chuyên gia giao thông. Lãnh đạo Hội Cầu đường Hà Nội chỉ rõ, việc triển khai đề án thu phí vào nội đô theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND cho đến nay có thể đánh giá là chậm. “Chưa thể khẳng định thu phí phương tiện vào nội đô có thể giảm ngay ùn tắc, mà phải kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác.

Tuy nhiên, thu phí vào nội đô phải là điểm đột phá và cần được triển khai sớm. Chỉ có khoảng 15-20% số người sử dụng phương tiện ô-tô cá nhân chịu tác động nhưng toàn bộ người dân Thủ đô sẽ được hưởng lợi từ chủ trương này. Do đó, cùng với quyết tâm, các cơ quan chức năng của thành phố cần lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc ý kiến tâm huyết của các chuyên gia và nhân dân”, lãnh đạo Hội Cầu đường Hà Nội kiến nghị.

Trong khi đó, anh Lê Văn Khánh ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) nhưng làm việc tại quận Thanh Xuân phân tích, đề án thu phí xe ô-tô vào nội đô có thể khiến cho những người đang ở ngoại thành phải “gánh” thêm phí. Bởi vậy, Hà Nội cần phải nghiên cứu làm đồng bộ chứ không phải chỉ “chặn đường” để thu thêm phí vào nội đô. “Việc thu phí vào nội đô có khả năng sẽ đi ngược với các chủ trương giãn dân mà Hà Nội đang thực hiện, có thể khiến người dân sẽ quay trở lại mua nhà ở trong thành phố”, anh Khánh cho hay.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc thu phí ô-tô vào trung tâm các thành phố lớn đã được nhiều nước phát triển áp dụng, nhưng ở Hà Nội cần cân nhắc nhiều yếu tố. Việc này ảnh hưởng đến hàng triệu người dân nên cần xem xét, lấy ý kiến sâu rộng hơn. Ông Bùi Danh Liên nêu ý kiến: “Chúng ta chưa đủ điều kiện để thu phí nội đô trong thời gian tới. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ hạ tầng giao thông Hà Nội còn manh mún, tình trạng ùn tắc chưa thể giải quyết. Bài toán giờ không phải là thu phí nội đô, mà là tổ chức giao thông như thế nào cho phù hợp. Giao thông công cộng thật sự tiện lợi mới thu hút được người dân tham gia, hạn chế phương tiện cá nhân”.

Chung quan điểm, theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường đại học Giao thông vận tải, để tăng tính hấp dẫn của vận tải hành khách công cộng thì cần ưu tiên phương tiện vận tải công cộng có sức chứa lớn và hạn chế phương tiện cá nhân. Đây chính là giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc thu phí phương tiện vào nội đô chỉ áp dụng cho xe ô-tô, cho nên có khả năng một số người đi xe ô-tô có thu nhập cao sẽ chấp nhận trả tiền để tiếp tục đi xe ô-tô. Bên cạnh đó, việc thu phí từ khu vực Vành đai 3, có thể quá rộng. Như ở thủ đô London (Anh), ban đầu thu phí trong phần lõi đô thị thì có tác dụng kéo giảm ùn tắc giao thông rất tốt, nhưng khi mở rộng phạm vi thu phí thì tác dụng lại không còn rõ rệt nữa. “Vì vậy, đối với thành phố Hà Nội xác định Vành đai 3 là phạm vi thu phí là rất rộng, nếu có thể cân nhắc thì chúng ta có thể xem xét, chẳng hạn thu phí từ Vành đai 2 trở vào, nhưng cũng rất cần những nghiên cứu cụ thể”, ông Phan Lê Bình nêu ý kiến.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Sở sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các nội dung phản biện xã hội, các ý kiến đa chiều từ người dân, truyền thông để quá trình xây dựng đề án được hoàn thiện hơn, nhằm có giải pháp hợp lý nhất để giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong nội đô Hà Nội.