Hiệu quả kinh tế cao từ giống bưởi đặc sản
Hà Nội được coi là thủ phủ bưởi lớn nhất miền bắc với hàng chục vùng canh tác các loại bưởi đặc sản như bưởi Diễn, bưởi đỏ Đông Cao, bưởi Tân Lạc,... Trong đó không thể không nhắc đến loại bưởi có cái tên độc đáo - “bưởi Thồ”. Đến thăm vườn bưởi của ông Mai Như Khúc (thôn Hòa Thượng, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội), chúng tôi bắt gặp cảnh tượng tươi mát của những trái bưởi xanh đung đưa trong gió, như mời gọi du khách đến tham quan và trải nghiệm giống bưởi đặc sản nơi đây.
Lý giải về tên gọi độc đáo của loại quả này, ông Khúc cho biết, cách đây khoảng 75 năm, một hàng xóm của ông là ông Đỗ Hữu Hạnh (đã mất) mang một cây bưởi chiết từ Hưng Yên về trồng. Nhờ hợp thổ nhưỡng nên cây cho quả sai, mọng nước, được mọi người ưa thích. Từ đó, giống cây này được người dân nhân giống đem trồng khắp làng. Đặc biệt khi thu hoạch, người dân dùng xe thồ để chở đi bán, nên loại quả này có tên gọi dân dã là bưởi Thồ.
Dù xuất hiện đã lâu, song phải đến thời gian gần đây, bưởi Thồ Bạch Hạ mới được nhiều người biết tới và trở nên nổi tiếng. |
Dù xuất hiện đã lâu, song phải đến thời gian gần đây, bưởi Thồ Bạch Hạ mới được nhiều người biết tới và trở nên nổi tiếng. Ông Khúc nhớ lại, năm 1982 ông bắt đầu trồng giống bưởi này. Cho đến năm 2017, bưởi của gia đình ông lần đầu được khách hàng mua sử dụng làm quà biếu. Tiếng lành đồn xa rằng ở Bạch Hạ có giống bưởi vàng óng, mọng nước, ăn rất ngon khiến người khắp nơi nô nức tìm về. Từ đây, địa phương bắt đầu mở rộng diện tích trồng đồng loạt giống cây này. Nhiều gia đình tiến hành lấp ao để trồng bưởi. Thương hiệu “bưởi Thồ Bạch Hạ” ra đời từ đó.
Hiện nhà ông Khúc đang có 5.040m2 diện tích đất trồng bưởi Thồ. Từ 2 cây bưởi giống mua lại của hàng xóm với giá 300 đồng, đến nay vườn bưởi Thồ của ông đã có 150 gốc. Bình quân sản lượng hằng năm đạt 250 quả/cây với giá 35.000 đồng/quả. Quả bưởi khi chín có trọng lượng trung bình 1,2kg. Lợi nhuận thu về từ trồng bưởi lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Khúc chia sẻ, cây bưởi Thồ bắt đầu cho ra hoa vào dịp trước Tết Nguyên đán, mùa bưởi kéo dài từ tháng Giêng cho đến tháng Tám thì kết thúc. Bưởi cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Trung thu, đây là thời điểm tiêu thụ chính của quả bưởi Thồ. Cứ gần đến rằm tháng 8 là bưởi lại cháy hàng, không đủ cung ứng cho thị trường. Thời kỳ cao điểm như năm 2019, bưởi có giá lên tới 50.000 đồng/quả, được thương lái thu mua tận vườn và vận chuyển đi các nơi. Địa bàn tiêu thụ của bưởi Thồ chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Lý giải về sức hút của của loại bưởi đặc sản, ông Khúc cho biết: “Bưởi Thồ chinh phục được khách hàng là nhờ những ưu điểm quả đều nhau, có chất lượng thơm ngon, vị ngọt thanh, tôm đều và gọn lại róc vỏ. Múi bưởi bóc ra khô ráo, không bị the hay đắng. Bưởi mọng nước ăn rất mát, thời tiết càng hanh thì bưởi lại càng ngon”. Đây là loại quả lành mạnh vì hàm lượng đường ít lại giàu dưỡng chất như vitamin C và chất xơ phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là người già vì được trồng an toàn theo phương pháp hữu cơ, bảo đảm cho sức khỏe. Ngoài sử dụng trong gia đình, phục vụ lễ Tết, bưởi Thồ còn được dùng làm quà biếu với giá trị cao.
Với những ưu thế vượt trội về chất lượng, năm 2020, sản phẩm bưởi Thồ của gia đình ông Mai Như Khúc đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Hộ gia đình ông Khúc được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tặng bằng chứng nhận về “Duy trì và phát triển giống bưởi Thồ Bạch Hạ” vào năm 2018.
Cây bưởi đầu dòng trong vườn nhà ông Khúc, cây đầu dòng là cây đủ tiêu chuẩn đã được kiểm định để đem đi nhân giống thành các cây con. |
Áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thương hiệu bưởi Thồ Bạch Hạ
Hiện toàn xã Bạch Hạ đang có khoảng 60ha trồng bưởi thồ, riêng thôn Hòa Thượng có 30ha với hàng chục hộ đang canh tác giống bưởi này. Đây là loại cây dễ trồng, tốn ít công sức lại sinh trưởng, phát triển tốt, cho lợi nhuận kinh tế cao. Nhiều gia đình trở nên khấm khá nhờ nghề trồng bưởi. Ông Khúc và bà con còn tiến hành ghép giống bưởi thồ vào cây bưởi diễn, chỉ 10 năm sau đã cho lứa quả đầu tiên. Không chỉ làm giàu từ cây bưởi Thồ, người dân nơi đây còn sáng tạo ra những giống cây mới để thích nghi với xu thế thị trường.
Là một trong những người tiên phong nhân rộng giống cây này, ông Khúc cho biết trồng bưởi Thồ cũng đòi hỏi những phương pháp, lưu ý riêng để cây đạt hiệu quả. Trước đây người dân chủ yếu trồng theo quán tính nên năng suất và chất lượng không cao. Hiện tại người trồng đã tập trung nâng cao các kỹ thuật chiết, ghép, tỉa để tán cây phát triển đều. Đặc biệt là thay đổi tư duy sản xuất để canh tác theo hướng VietGAP, hữu cơ giúp cây sinh trưởng, ra hoa kết trái tốt hơn, vừa giúp cây tránh được mọi sâu bệnh lại góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái địa phương.
Ông Mai Như Khúc được Sở Nông nghiệp thành phố Hà Nội trao bằng chứng nhận có công trong việc duy trì và phát triển giống bưởi thồ đặc sản của địa phương. |
“Chính quyền địa phương cũng phối hợp với các đơn vị ngành nông nghiệp thường xuyên mở các lớp đào tạo, hướng dẫn để tuyên truyền cho bà con cách làm mới, thay đổi tập quán sản xuất từ vô cơ sang hữu cơ hiện đại. Chương trình OCOP đã mở ra trang mới cho cây bưởi nơi đây. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể thì chất lượng và số lượng bưởi được tăng lên đáng kể”, ông Khúc chia sẻ.
Về khó khăn, cây bưởi Thồ chủ yếu bị tác động bởi thời tiết. Cây cho ra hoa vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, nếu gặp thời tiết thuận lợi sẽ cho khả năng đậu quả cao. Ngược lại mưa nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Đặc thù của giống bưởi này là ra 3 lớp hoa, mất lớp này sẽ ra lớp khác nên người dân không lo về sản lượng kết trái. Tuy nhiên nếu lượng axit trong nước mưa quá cao thì sẽ gây thiệt hại nặng cho người trồng.
Xác định đây là giống cây tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, năm 2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã về Bạch Hạ thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển giống bưởi Thồ tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội” nhằm bảo tồn nguồn gene địa phương và nhân giống bưởi Thồ bản địa. Bưởi Thồ đã thực sự trở thành loại “quả ngọt” đem lại lợi ích cho người dân.
Thành phố Hà Nội cũng đã cho phép người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ các giống cây khác sang bưởi, tiến hành quy hoạch vùng trồng chuyên canh lên tới 130ha. Trong tương lai không xa, Bạch Hạ sẽ có tiềm năng trở thành vùng trồng bưởi lớn nhất phía nam Hà Nội.
Nâng cao giá trị cho cây bưởi đường
Bên cạnh đó, vấn đề bảo quản và đầu ra cho quả bưởi cũng còn hạn chế. Hiện phần lớn bưởi Thồ còn được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, không qua sơ chế và đóng gói nhãn mác, bao bì và chủ yếu do nông dân tự tiêu thụ qua thương lái. Canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Do đó, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm, định hướng không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về mặt tiêu thụ, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống tưới tiêu, đường xá để vận chuyển, hướng tới thành lập Hợp tác xã góp phần sản xuất và bao tiêu nông sản cho bà con, đưa cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực được nhiều người biết tới.