Nâng cao giá trị cây bưởi

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cây bưởi đang ngày càng phát triển mạnh ở các tỉnh miền bắc. Hiện nay, bưởi đang là một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Ảnh: NGUYỄN CHUNG
Mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Ảnh: NGUYỄN CHUNG

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, diện tích cây ăn quả có múi ở các tỉnh miền bắc là 121 nghìn ha, trong đó diện tích bưởi chiếm hơn 40%. Qua thống kê, các địa phương trồng bưởi lớn nhất là Bắc Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Lạng Sơn… với cơ cấu giống chủ yếu là bưởi da xanh, năm roi và bưởi Diễn. Điều đáng nói, hiện nay cây bưởi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở các địa phương khi giá trị thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, do phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu cho nên cây bưởi đang được nhân dân trên địa bàn mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn tỉnh trồng khoảng 4.867 ha bưởi, tập trung ở các huyện Yên Sơn với 4.012 ha, Hàm Yên 344 ha. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là 1.858 ha, sản lượng đạt 18.992 tấn/năm với doanh thu năm 2019 đạt hơn 491 tỷ đồng. Để phát triển bền vững cây bưởi và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và giúp các hộ thay đổi tư duy, tập quán sản xuất. Đồng thời giúp người dân chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa gắn với liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hiện nay một số mô hình chuỗi liên kết sản xuất theo hướng VietGAP đã được người dân triển khai rộng rãi. Điển hình như mô hình thâm canh chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP của gia đình chị Trịnh Thị Hải, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn với quy mô 1.000 gốc bưởi, bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 30 đến 40 quả, mỗi năm cho lãi gần 600 triệu đồng/năm. Sản phẩm được các hợp tác xã, doanh nghiệp đến tận vườn thu mua.

Trong những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã chú trọng, quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển cây có múi như bưởi, cam... ở các địa phương có tiềm năng về quỹ đất hoặc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiện nay, diện tích trồng cây có múi trong tỉnh khoảng 4.900 ha, tập trung chính ở 151 vùng sản xuất, trong đó 23 vùng trồng bưởi đặc sản Đoan Hùng và 128 vùng trồng bưởi Diễn. Riêng bưởi đặc sản Đoan Hùng có diện tích 1.420 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 800 ha, sản lượng khoảng 13.500 tấn. Nhiều hộ dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và dán tem truy xuất nguồn gốc để tạo niềm tin cho khách hàng cũng như bảo đảm đầu ra ổn định. Qua thống kê, thu nhập của người trồng bưởi tại Phú Thọ thời gian qua không ngừng tăng lên, trung bình đạt 150 đến 200 triệu đồng/năm, có hộ đạt hơn 500 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, việc trồng và tiêu thụ bưởi cũng gặp nhiều khó khăn do trình độ thâm canh của các hộ nông dân còn hạn chế, chủ yếu canh tác theo tập quán, kinh nghiệm; chưa thật chú trọng đầu tư thâm canh cho nên năng suất không ổn định; chất lượng sản phẩm quả chưa đồng đều, diện tích bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP còn ít. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định; mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi còn lỏng lẻo, dẫn tới hiện tượng được mùa mất giá. Hơn nữa, việc chế biến quả có múi nói chung và bưởi nói riêng còn hạn chế; dòng sản phẩm chính trong chuỗi giá trị quả có múi chủ yếu là sản phẩm quả tươi, một phần nhỏ được chế biến thành nước cam, bưởi tươi, nước cam cô đặc, mứt, cùi cam bưởi sấy, rượu vang... Đối với sản phẩm xuất khẩu, hiện nay mới ở các công đoạn như: Phân loại, làm sạch bên ngoài, đóng gói, bao lưới, bảo quản trong kho lạnh và xuất hàng theo yêu cầu của các đối tác.

Để phát triển bền vững và nâng cao giá trị cây bưởi, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương cần rà soát, xác định quy mô và vùng sản xuất bưởi để tổ chức lại sản xuất; chú trọng đến quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng, tăng năng suất; tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị bưởi trồng tập trung; đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch, tập trung nhóm bưởi ngọt với cơ cấu chín sớm từ 30 đến 40%, chính vụ và muộn từ 60 đến 70%. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu thụ tại thị trường trong nước; đẩy mạnh trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền khi vào mùa thu hoạch rộ... Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại nhằm củng cố, giữ vững và phát triển các thị trường xuất khẩu đã có sẵn; nghiên cứu và dự báo thị trường để định hướng, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp chế biến; xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với quả bưởi đặc sản; tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến từ quả bưởi.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh trung du miền núi phía bắc trồng khoảng 27,7 nghìn ha bưởi với sản lượng gần 165 nghìn tấn/năm. Trong đó, các địa phương có sản lượng lớn là Hòa Bình 42,7 nghìn tấn, Phú Thọ 34,2 nghìn tấn, Bắc Giang 29,4 nghìn tấn, Tuyên Quang 19 nghìn tấn, Thái Nguyên 15,9 nghìn tấn…