Giá trị cây bưởi trên đất Đoan Hùng

Những năm qua, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ luôn xác định phát triển cây bưởi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế, xã hội. Huyện đã tập trung chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết, trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Bưởi là cây trồng chủ lực của huyện Đoan Hùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bưởi là cây trồng chủ lực của huyện Đoan Hùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Đoan Hùng hiện có hơn 2.700 ha trồng bưởi, trong đó có hơn 1.400 ha bưởi đặc sản tập trung nhiều tại các xã Chí Đám, Bằng Luân, Hùng Xuyên, Hợp Nhất, Vân Đồn, Tây Cốc… Sản lượng bưởi quả có sự tăng trưởng rõ rệt, từ 11.000 tấn (năm 2016) lên 52.000 tấn (năm 2023), giá trị sản phẩm ước đạt 800 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã hình thành được 95 vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích 1.350 ha; có một hiệp hội sản xuất bưởi, 15 hợp tác xã, một tổ hợp tác, một chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần tiêu thụ khoảng 2.700 tấn/năm.

Các hộ đang chuyển dần sang theo quy trình sản xuất an toàn GAP với diện tích hơn 1.240 ha; toàn huyện đã có gần 326 ha được cấp chứng nhận VietGAP và có 49 vùng trồng bưởi được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Hiện, bưởi Đoan Hùng đã có hai sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và sáu sản phẩm đạt OCOP 3 sao...

Đầu năm 2022, huyện Đoan Hùng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn tổ chức xuất khẩu lô bưởi Đoan Hùng đầu tiên sang thị trường Liên bang Nga. Hiện các cơ quan liên quan của tỉnh Phú Thọ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục triển khai các bước về xúc tiến xuất khẩu bưởi đặc sản Đoan Hùng sang các nước khác.

Thời gian qua, huyện Đoan Hùng đã đề xuất xây dựng dự án nghiên cứu kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng bưởi Đoan Hùng với diện tích 300 ha, tập trung vào hai giống bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân tại sáu xã: Bằng Luân, Minh Lương, Bằng Doãn, Phú Lâm, Hùng Xuyên và Chí Đám. Đồng thời, huyện ban hành nhiều cơ chế khuyến khích việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể và các hộ trong việc dồn đổi, tích tụ đất để có diện tích lớn, tập trung trồng bưởi, coi trọng nâng cao chất lượng, mở rộng phát triển vùng bưởi đặc sản.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng Nguyễn Hải Long cho biết: Đến nay, huyện đã dồn đổi được gần 440 thửa với diện tích 78,33 ha để trồng bưởi. Trong 5 năm (từ 2016-2020), tổng kinh phí chi cho Chương trình phát triển cây bưởi trên địa bàn huyện là gần 15 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2023, tổng kinh phí hỗ trợ phát triển cây bưởi là hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ hỗ trợ ba năm liên tục chi phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả theo hướng dẫn kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mức hỗ trợ tối đa năm triệu đồng/ha/năm…

Tuy nhiên, việc phát triển cây bưởi trên địa bàn huyện Đoan Hùng còn gặp nhiều khó khăn về phương thức sản xuất, việc tiêu thụ còn thiếu bền vững, sản phẩm chế biến từ bưởi còn hạn chế; quy mô sản xuất chủ yếu theo hộ gia đình, nhỏ lẻ, manh mún; nhiều loại sâu bệnh xuất hiện tại các vườn bưởi lâu năm làm chết cây, thối quả, chất lượng, mẫu mã giảm... Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân huyện để thực hiện hiệu quả dự án, mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác quản lý chỉ dẫn địa lý, quảng bá, bảo vệ và phát triển bền vững thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đoan Hùng Nguyễn Văn Vấn chia sẻ, cây bưởi Đoan Hùng đã và đang khẳng định được thương hiệu, giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Những năm qua, huyện Đoan Hùng đã huy động nguồn vốn trong dân tập trung đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích bưởi; ban hành nhiều cơ chế khuyến khích việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể và các hộ trong việc dồn đổi, tích tụ đất để có diện tích lớn, tập trung trồng bưởi...

Trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình để hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng hướng tới xuất khẩu sản phẩm bưởi; phấn đấu 100% diện tích vùng trồng bưởi tập trung được chứng nhận sản xuất an toàn và được cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, huyện tạo mọi điều kiện, luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, cùng doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, kinh doanh, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm… từ đó tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu giống bưởi đặc sản này.