Về nơi khởi nguồn "Lũy tre biên giới Việt"

NDO - Mô hình "Lũy tre biên giới Việt", được Đồn Biên phòng Ba Sơn, Cao Lộc (Lạng Sơn) mới triển khai hơn một năm nay, nhưng đến nay mô hình này đã lan tỏa, được bà con khu vực biên giới vui mừng đón nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Sơn, Cao Lộc (Lạng Sơn), trao tặng giống cây tre Bát độ cho bà con xã Cao Lâu (Cao Lộc).
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Sơn, Cao Lộc (Lạng Sơn), trao tặng giống cây tre Bát độ cho bà con xã Cao Lâu (Cao Lộc).

Trung tá Đặng Hùng Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Sơn phấn khởi nói: Với phương châm “hướng về cơ sở để giúp dân”, cán bộ, chiến sĩ biên phòng Ba Sơn những năm qua luôn chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì, gần dân, bám bản, phối hợp chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình, chương trình giúp dân xóa đói, giảm nghèo.

An cư cho người dân biên giới

Đồn Biên phòng Ba Sơn phụ trách địa bàn 3 xã: Cao Lâu, Mẫu Sơn, Xuất Lễ (huyện Cao Lộc). Địa bàn biên giới do đồn quản lý có địa hình chủ yếu là các dãy núi cao; dọc tuyến biên giới còn rất nhiều diện tích đất đồi để trống… Với lý do đó, năm 2022, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng đã lên ý tưởng, thí điểm triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt”.

Trung tá Hoàng Trung Hiếu, Chính trị viên Đồn biên phòng Ba Sơn cho biết: Được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc đồng ý hỗ trợ về kinh phí để triển khai mô hình, năm 2022, đơn vị đã triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt” giai đoạn 1, trao tặng 3.000 gốc giống tre Bát độ, với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng cho chi hội cựu chiến binh của 2 thôn và 16 hộ dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc thuộc xã Xuất Lễ. Qua đó, cây tre đã được trồng dọc biên giới dài gần 6km, hiện cây đang phát triển tốt.

Hưởng ứng Tết trồng cây năm nay, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, triển khai trồng cây trà hoa vàng, cây hoa đào tại khuôn viên Đồn Biên phòng Ba Sơn và tổ chức trồng cây tre dọc theo đường biên giới từ mốc 1200 đến mốc 1202 thuộc địa bàn thôn Khuổi Tát, xã Xuất Lễ.

Từ năm 2022 triển khai mô hình "Lũy tre biên giới Việt" đến nay, Đồn biên phòng Ba Sơn đã hỗ trợ người dân trồng được 9.500 cây tre dọc tuyến biên giới, với chiều dài gần 14km.

Tre Bát độ là giống tre phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Lạng Sơn. Mỗi khóm tre được trồng cách nhau khoảng 2m, sau khoảng 2 năm khi những cây tre phát triển sẽ hình thành những bụi tre lớn đan xen vào nhau, phủ xanh đường tuần tra biên giới, trở thành hàng rào kiên cố.

Bên cạnh việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khi cây tre trưởng thành cho thu hoạch măng, mang lại giá trị kinh tế cho bà con trên địa bàn, góp phần ổn định cuộc sống.

Ông Hoàng Văn Tùng, xã Cao Lâu (Cao Lộc) chia sẻ: Gia đình tôi có khoảng 10ha đất rừng gần khu vực biên giới, khi được giao chăm sóc 200 cây tre để phát triển kinh tế, tôi cảm thấy mô hình rất phù hợp. Trồng tre, sau này không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập mà quan trọng hơn cả là gia đình đã góp một phần công sức nhỏ bé trong việc bảo vệ biên giới quốc gia.

Lan tỏa mô hình "Lũy tre biên giới Việt"

Cùng với việc hỗ trợ trồng tre dọc biên giới, Đồn biên phòng Ba Sơn còn hỗ trợ cho bà con cây con giống trồng cây trà hoa vàng. Là một trong những gia đình được hỗ trợ cây giống, anh Dương Trùng Chu, thôn Co Loi, xã Mẫu Sơn chia sẻ: "Gia đình tôi là hộ cận nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn... nay tôi rất vui khi được Đồn Biên phòng Ba Sơn và chính quyền xã hỗ trợ cây giống trà hoa vàng, đây là cơ hội để gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ trồng và chăm sóc cây thật tốt..."

Về nơi khởi nguồn "Lũy tre biên giới Việt" ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Sơn, Cao Lộc (Lạng Sơn) hướng dẫn người bà con trồng cây tre dọc biên giới.

Ông Lương Văn Lan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) cho biết: Qua tìm hiểu, trà hoa vàng là cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn xã Mẫu Sơn. Từ năm 2021 đến nay, Đồn biên phòng Ba Sơn đã phối hợp chính quyền xã hỗ trợ hơn 8.800 cây giống trà hoa vàng cho 88 hộ gia đình. Đến nay, 100% số hộ trong xã đều được hỗ trợ trồng cây tre, cây trà hoa vàng. Qua thời gian trồng và chăm sóc, cây đã phát triển tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Nhận thấy hiệu quả từ mô hình “Lũy tre biên giới Việt” do Đồn Biên phòng Ba Sơn triển khai có ý nghĩa thực tế rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã phát động triển khai mô hình này rộng rãi. Đến nay, 100% đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh đều tổ chức trồng tre dọc tuyến biên giới.

Để mô hình được triển khai hiệu quả, các đồn biên phòng đã chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các nhà hảo tâm tuyên truyền, kêu gọi tài trợ tre giống và hỗ trợ người dân vùng biên trồng tre. Qua đó, tạo nên sự gắn bó giữa quân và dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.

Ghi nhận sự đóng góp của Đồn Biên phòng Ba Sơn, mới đây, tại triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 11 do Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) tổ chức, tấm gương của Trung tá Đặng Hùng Cường, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ba Sơn đã được giới thiệu vì thành tích thực hiện tốt công tác dân vận, đóng góp lớn vào việc giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội tại các xã khu vực biên giới của tỉnh Lạng Sơn. Trung tá Đặng Hùng Cường là một trong hai tấm gương của tỉnh Lạng Sơn.