Về nghe sông chảy

Sáng đầu xuân, về nghe sông chảy, nghe tiếng sóng vỗ bờ, để tìm lại ký ức tuổi thơ. Sông - nơi ta tập bơi bằng những sải tay đầu đời, nơi ta ném những mảnh sành thia lia bay trên mặt sóng, nơi ta gửi gắm bao ước mơ, hy vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Một thoáng sông Thương. (Ảnh DIÊM CÔNG HẢI)
Một thoáng sông Thương. (Ảnh DIÊM CÔNG HẢI)

Dọc con đường Thiền viện Trúc Lâm với những hàng cây bồ đề đẹp như mơ dẫn vào chùa Vĩnh Nghiêm là đến bến đò La, thuộc thôn La Hạ, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Bến đò nơi đây không còn nhộn nhịp như xưa nhưng vẫn còn phảng phất vẻ đẹp nguyên sơ. Chỉ một ông lái và một người qua đò, bến sông vẫn đầy thơ mộng. Yên Dũng - vùng đất thiêng nơi có dãy Nham Biền với 99 ngọn núi nhấp nhô chạy dài qua nhiều xã như Tân Liễu, Nham Sơn, Tiền Phong…

Chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên gắn liền với thiền phái Trúc Lâm do Vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13, chùa được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam.

Đứng trên bờ đê, nghĩ về sông cũng như nghĩ về tình yêu với quê hương, đất nước. Sông là nhịp thở, là linh hồn. Đời sông cũng như đời người, qua những khúc quanh, thăng trầm rồi tất cả đều tiến về phía trước, hợp lại thành một sức mạnh cho đến khi chảy ra biển cả bao la.

Xa xa kia là đền Phượng Nhãn (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng), nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Sông Lục Nam - một trong ba con sông lớn không kém phần quan trọng của người dân Bắc Giang. Với dòng nước trong lành, sông Lục mang lại nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó, dòng sông còn có vị trí quan trọng về giao thông, quân sự, kinh tế trong quá khứ và cả trong hiện tại. Sông Lục còn khá nhiều di tích lịch sử từ thời Lý - Trần. Vùng đất, con người Lục Nam giàu truyền thống yêu nước. Với hình sông, thế núi kết hợp với truyền thống văn hóa, sông Lục Nam luôn là niềm tự hào, kiêu hãnh của người Bắc Giang.

Dọc sông Thương là đền Kiếp Bạc, nơi thờ tự người Anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Có thể nói, Kiếp Bạc là địa danh nổi tiếng về lịch sử, văn hóa, nơi lắng đọng của hồn thiêng non sông đất nước. Nơi đây có vị trí đắc địa về phong thủy, hiểm yếu về quân sự, chứng nhân lịch sử cho ba lần đại thắng quân Nguyên Mông. Nơi đây cũng là nơi xuất phát truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Đền Kiếp Bạc cũng là nơi diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu, tái hiện những chiến công hiển hách, làm sống lại hào khí Đông A và truyền thống giữ nước vĩ đại của dân tộc. Lễ hội cầu an, lễ hội hoa đăng đền Kiếp Bạc được tổ chức trên bờ đê sông Lục Đầu, nơi sáu con sông gặp nhau nhằm tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Có thể nói, Kiếp Bạc là một địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu Giang. Đầu mối của huyết mạch giao thông thủy bộ. Nơi trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long.

Dòng sông chảy qua đời người, mang theo bao ký ức, niềm vui, nỗi buồn. Khi bão giông ập đến mang theo gió lớn mưa rào gây ngập lụt khắp nơi, nhưng dòng sông vẫn mải miết chở nước xuôi biển cả, bờ đê vẫn kiên cường đứng vững như người mẹ hiền che chở đàn con trước sóng gió cuộc đời. Mùa lũ, nước dâng cao cuộn trào như muốn thử thách sức chịu đựng của con người trước thiên nhiên. Và, sau tất cả dòng sông lại trở về với dáng vẻ hiền hòa, mang phù sa bồi đắp những cánh đồng, nuôi dưỡng những mầm xanh.

Dòng sông như một bài học về sự kiên nhẫn, sự chịu đựng và lòng dũng cảm. Những con người sống bên sông cũng vậy, họ học cách chung sống, đối mặt với thử thách. Sông vượt qua bão tố cũng như người vượt qua gian nan, để rồi sau bão lại thấy trời trong xanh và những điều tốt đẹp luôn hiện hữu trong cuộc đời này.

Rời đền Kiếp Bạc, dọc theo bờ đê Vạn Kiếp, phía trước là cây cầu Đồng Việt nối hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang. Theo sử sách ghi chép lại, Vạn Kiếp

là căn cứ thủy quân và cảng lớn thời Lý - Trần. Địa danh lịch sử này nằm gần chỗ giao nhau gồm sông Cầu, sông Thương, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình, nay là vùng Vạn Yên, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khúc sông chảy qua đền Kiếp Bạc dường như là đoạn đẹp nhất của sông Thương. Sông Thương chảy qua Vạn Kiếp, thực tế là một nhánh và nó phải chảy 12 km nữa mới chính thức hợp lưu với bốn dòng chảy khác để hòa vào Lục Đầu Giang tạo thành hệ thống sông Thái Bình.

Sông Thương từ bao đời nay là chất men say thấm vào tâm hồn các thi sĩ. Sông cũng là cội nguồn làm nên vẻ đẹp âm nhạc cho các nhạc sĩ sáng tác và cho ra đời rất nhiều ca khúc. Sông gần gũi với con người, đem đến cho con người những ước mơ, hoài bão. Sông lắng nghe, che chở, bồi đắp và nuôi dưỡng những khát vọng hòa bình. Những ca từ đã gieo vào tâm hồn người nghe đầy thú vị, lấp lánh với những giá trị vĩnh hằng.

Âm thanh trong trẻo của tiếng chim, tiếng sóng đã tạo thành khúc giao hưởng cho các nhạc sĩ, nhà thơ sáng tác ra những tác phẩm như: “Con thuyền không bến” (Đặng Thế Phong), “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” (Nguyễn Văn Tý), “Tiếng chim tu hú” (thơ Anh Thơ), “Chiều sông Thương” (thơ Hữu Thỉnh, nhạc An Thuyên), “Qua sông Thương” (thơ Lưu Quang Vũ), “Sông Thương tóc dài” (thơ Hoàng Nhuận Cầm)... Sau này còn có rất nhiều các tác phẩm mới được công chúng yêu thích.

Về nghe sông chảy, về nghe những âm thanh của đời sống, những mạch nguồn đất đai đang nảy nở sinh sôi. Trong dòng chảy của thời gian, mọi sự vật, hiện tượng có thể lụi tàn và tan biến, nhưng dòng sông thì mãi trường tồn và âm thầm chảy trôi trong đời sống mỗi con người. Ai cũng có một dòng sông quê nhà.