Thôn xóm bình yên
Sau hơn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo nông thôn huyện Yên Thế đã có nhiều thay đổi đáng kể, tình hình kinh tế-xã hội ở nông thôn phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; nhiều thôn bản từng rất khó khăn đã về đích nông thôn mới…Có được thành tựu này là nhờ chính quyền và nhân dân huyện luôn xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân.
Tại Yên Thế có nhiều thôn, xóm xanh, sạch đẹp, dần tạo nên những vùng quê đáng sống. Điển hình như thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều nét đẹp thôn quê được gìn giữ, đặc biệt là những hàng cây, hàng hoa trên các con đường nối thôn, xóm. Ngoài ra, nhờ sự chung tay góp sức, góp của của nhân dân, thôn đã lắp hệ thống camera an ninh và điện chiếu sáng cho 100% các tuyến đường. Bên cạnh đó, khu nhà văn hóa của thôn cũng được nâng cấp. An ninh trật tự được bảo đảm; người dân trong thôn chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật và quy ước, hương ước của thôn.
Đến các thôn của xã An Thượng cũng vậy, mùi hương hoa trái thơm tỏa khắp những con ngõ bình yên. Ngoài đồng, người nông dân hăng say sản xuất cho kịp vụ đông-xuân. Ông Bùi Văn Chuyển, thôn Tân Vân là một trong những tấm gương trong làm vườn, giữ gìn màu xanh quê hương ở địa phương. Trong khu vườn của gia đình, ông tổ chức trồng bưởi diễn, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo dựng cảnh quan xanh, sạch đẹp.
Năm 2015, An Thượng được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Yên Thế. Năm 2020, An Thượng là xã đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Đến nay, 100% đường giao thông xã, trục thôn, liên thôn và 99,5% đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn, các tuyến đường có đèn chiếu sáng bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và mỹ quan; nhà văn hóa và trung tâm thể thao được quy hoạch với diện tích lớn, bảo đảm hoạt động thể thao, văn nghệ của nhân dân; trạm y tế được xây mới... Năm 2024, An Thượng phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay xã đã đạt 17/19 tiêu chí.
Bà Thân Thị Gấm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Thượng, chia sẻ: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của huyện, của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã An Thượng đã triển khai quyết liệt, chủ động, kịp thời nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình tại địa phương. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân nên các hoạt động kinh tế - xã hội được duy trì, bảo đảm hoạt động sản xuất của người dân. Mặc dù trong điều kiện gặp nhiều khó khăn nhưng trong sản xuất nông nghiệp, diện tích, sản lượng các loại cây trồng chính được bảo đảm; giá trị xây dựng, thương mại - dịch vụ tăng. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường được tăng cường, đặc biệt tập trung chỉ đạo xử lý các vi phạm về đất đai, huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường. Tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn được quan tâm tổ chức, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được quan tâm triển khai thực hiện. Công tác huấn luyện dân quân được thực hiện tốt; hoàn thành công tác tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoàn thành tốt diễn tập phòng thủ năm 2024.
Tiếp tục các biện pháp nâng cao đời sống người dân
Thực tế cho thấy xây dựng nông thôn mới là chương trình ý nghĩa, với mục đích chính là giúp nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, xuyên suốt cả chặng đường vừa qua Yên Thế luôn có sự kề vai sát cánh của bà con nhân dân các địa phương. Để có sự nhất tâm, nhất trí, đồng lòng đó, ngay từ đầu khi thực hiện chương trình, huyện đã xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng để giúp nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới. Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp và ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới đến các cấp, các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện.
Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong hoạt động; thường xuyên quán triệt tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động tinh thần, ý thức trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, các tổ chức cơ sở đảng, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị xác định vai trò của mình trong việc phối hợp, hỗ trợ, trực tiếp lãnh đạo quần chúng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các xã, thị trấn, ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã, Ban phát triển thôn, bản, tổ chức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên hệ thống đài cơ sở, các buổi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, sinh hoạt đoàn thể để nhân dân có nhận thức đúng về những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Để tăng thu nhập cho người dân, huyện đã hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới ba tháng cho người dân tộc thiểu số. Đồng thời, truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số để góp phần không nhỏ vào việc tạo sinh kế và cải thiện đời sống cho đồng bào. Cùng với đó, huyện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh cây con có giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm toàn bộ diện tích rừng có chủ quản lý. Đẩy mạnh trồng rừng thâm canh; mở rộng diện tích trồng rừng thâm canh gỗ lớn. Đây chính là động lực để nhiều hộ nghèo vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Hiện nay, huyện có hơn 500 ha chè, tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Lương, Canh Nậu... Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi gà đồi tập trung với quy mô lớn. Mỗi năm, toàn huyện bán ra thị trường gần 12 triệu con gà, giá trị đạt khoảng 1.600 tỷ đồng. Năm 2011, gà đồi Yên Thế được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm. Các sản phẩm này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, giúp nhiều hộ gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng, du lịch địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thế Nguyễn Văn Tuyền cho biết, huyện sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là các dự án giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất, văn hóa. Đồng thời, tiếp tục rà soát và đầu tư cải tạo các công trình thủy lợi, bảo đảm cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai.
Lãnh đạo huyện trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và tiền thưởng cho đại diện thôn An Châu, xã An Thượng. |