“Lĩnh Nam chích quái” ấn bản năm 2017 là một trong những artbook dựa trên văn học cổ Việt Nam thành công nhất của Kim Đồng. Lần đầu tiên có một tác phẩm văn học cổ được vẽ minh họa công phu, thỏa mãn sự bay bổng của trí tưởng tượng.
Năm nay, Kim Đồng tiếp tục cho ra mắt hai tác phẩm artbook cũng dựa trên văn học cổ Việt Nam là “Truyền kỳ mạn lục” và “Nam Hải dị nhân liệt truyện”.
“Truyền kỳ mạn lục” là tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ. Cốt truyện chủ yếu lấy từ những tích lưu truyền trong dân gian, được biến tấu theo phong cách cá nhân của Nguyễn Dữ. Truyện phản ánh bức tranh hiện thực của một thời kỳ rối ren trong lịch sử Việt Nam. Thông qua các nhân vật kỳ ảo như thần tiên, ma quái, tinh loài vật, cây cỏ…, tác giả phê phán nền chính sự hỗn loạn, vua chúa hôn ám, các tệ nạn khiến cuộc sống của người dân chịu nhiều lầm than.
“Nam Hải dị nhân liệt truyện” ra đời sau “Truyền kỳ mạn lục” 4 thế kỷ, cũng có sự kết hợp giữa “kỳ” và “thực”. Bộ sách tập hợp những câu chuyện kể về các “dị nhân” nước Nam, những người mà tên tuổi họ gắn liền với điều khác thường (có hình dáng bất thường, có tài lạ, có sự tích huyền bí, kỳ quái…). Nhiều nhân vật lịch sử đã được hóa thân qua những câu chuyện kỳ ảo của “Nam Hải dị nhân liệt truyện” như Trần Hưng Đạo, Mạc Đĩnh Chi…
Hai cuốn sách được các họa sĩ Nguyễn Công Hoan và Tạ Huy Long khoác cho “chiếc áo mới”, với gần 400 bức tranh minh họa vẽ tay tỉ mỉ và công phu. “Truyền kỳ mạn lục” được họa sĩ Nguyễn Công Hoan minh họa bằng những bức vẽ mang màu sắc và hình khối kỳ ảo. Còn ở “Nam Hải dị nhân liệt truyện”, họa sĩ Tạ Huy Long với bút pháp thiên về mỹ thuật cổ quen thuộc kết hợp với cách tiếp cận hiện đại tạo nên vẻ đẹp mới cho cuốn sách.
Nói về thể loại sách truyền kỳ, nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh cho biết, những câu chuyện kỳ ảo là chuyện ma, nhưng thực ra lại nói về con người. Trong “Truyền kỳ mạn lục”, có những hồn ma đáng thương, là nạn nhân của những phong tục, hủ tục…, cũng có sự phản kháng và vùng dậy. Nhân vật chính của các câu chuyện ma thường là nữ, được đẩy lên làm chủ đạo và hầu hết đều có hạnh phúc. Nhà nghiên cứu Băng Thanh cũng cho rằng, bộ sách có tranh đẹp giống như một công trình nghệ thuật kép, rất thú vị và đem đến cho người đọc những cảm nhận, cảm xúc rõ hơn về câu chuyện.
Nói về tranh minh họa của bộ sách “Truyền kỳ mạn lục”, họa sĩ Nguyễn Công Hoan cho biết, hầu như tất cả các bức tranh anh đều ngập ngừng, nâng lên hạ xuống bút vẽ trước khi sáng tác. Không phải vì khó, mà vì anh muốn lựa chọn mọt cách thể hiện thật khác biệt. “Tôi nghĩ nên vẽ ma đáng yêu một chút, không có hại. Tôi thường vẽ về những nhân vật thân cô thế cô, những người ở tầng lớp thấp kém của xã hội”. Anh cũng chia sẻ mình thích nhất bức tranh minh họa của truyện “Kỳ ngộ ở Trại Tây”: “Tôi chọn mùa xuân hoa nở, có sự tươi trẻ, có sự nhẹ nhàng, duyên dáng, mơ màng của tiết xuân”.
Còn đối với họa sĩ Tạ Huy Long, với phong cách mang xu hướng mỹ thuật cổ quen thuộc, anh lại chọn một cách tiếp cận mới, sao cho trẻ trung và gần gũi với bạn đọc trẻ. “Cách tiếp cận của tôi không đánh giá được là đúng hay sai, mà là đẹp và giữ được cảm xúc. Ban đầu, tôi cũng định nối tiếp phong cách của “Lĩnh Nam chích quái”, nhưng phải qua nhiều năm, tôi mới tìm ra được cách thể hiện mới cho “Nam Hải dị nhân liệt truyện”.
Họa sĩ Tạ Huy Long cho biết, anh bắt tay vào vẽ tranh minh họa cho “Nam Hải dị nhân liệt truyện”, sau đó có một khoảng thời gian bị bỏ bẵng, và đến khi dịch Covid-19 xảy ra, anh lại bắt tay vào tiếp tục công việc dang dở. “Tôi thích nhất bức tranh minh họa bà mẹ của Lương Thế Vinh, vì tôi dựa trên ý “mẹ là dáng hình đất nước, núi sông”. Cho nên tôi lựa chọn tạo hình bà mẹ với những nét vẽ chảy tràn ra và nhấp nhô như đất, như sông, như núi”. Cũng có những bức tranh anh lựa chọn cách vẽ trẻ trung, phóng khoáng, với màu sắc mạnh mẽ, đối lập, nhưng sau đó lại chuyển sang gam trầm cho phù hợp mạch truyện.
Nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm cho biết, hai bộ sách với những bức tranh minh họa công phu tuyệt đẹp là cách tiếp cận mới đối với giới trẻ. Từ những cuốn sách này, có thể coi đó là một phép thử để thu hút bạn đọc trẻ đến với sách lịch sử, với môn lịch sử.