Vận tải hàng hóa xuyên biên giới Việt-Trung tiếp tục sôi động

NDO - Số lượng chuyến tàu liên vận cũng như hàng hóa được vận chuyển giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng cao so cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hoạt động vận tải hàng hóa xuyên biên giới giữa hai nước tiếp tục sôi động.
0:00 / 0:00
0:00
Các container hàng hóa được đưa lên tàu hỏa tại cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh. (Ảnh: Chinadaily.com.cn)
Các container hàng hóa được đưa lên tàu hỏa tại cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh. (Ảnh: Chinadaily.com.cn)

Truyền thông Trung Quốc cho biết, rạng sáng 29/2, chuyến tàu liên vận mang số hiệu X9101 rời ga Nam Ninh, mang theo hàng hóa là trang thiết bị cơ khí, hóa chất..., di chuyển về hướng ga An Viên của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, vận tải hàng hóa bằng đường sắt giữa hai nước duy trì hoạt động ở mức cao, tăng trưởng rõ nét.

Thống kê của ngành đường sắt Nam Ninh, Quảng Tây cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, có tổng cộng 25 chuyến tàu liên vận được khai thác giữa hai nước, vận chuyển 600 container tiêu chuẩn hàng hóa, lần lượt tăng trưởng 56% và 35% so cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, hàng hóa vận chuyển qua kênh đường sắt liên vận Việt-Trung chủ yếu là máy móc, thiết bị, đồ điện tử, dược liệu, trái cây, với tổng cộng hơn 620 chủng loại, liên quan đến mọi mặt của đời sống người dân và sản xuất của doanh nghiệp, được tập kết tại hơn 20 thành phố trong và ngoài khu tự trị Quảng Tây.

Đại diện ngành đường sắt Nam Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, với nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ, vận tải đường sắt được mở luồng xanh và hưởng nhiều ưu đãi trong hoạt động, góp phần giảm giá thành logistics tổng hợp trong đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc, nâng cao sức hút đối với thị trường, góp phần bảo đảm và phục vụ trao đổi kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.

Được biết, nhờ liên tục tối ưu hóa tổ chức và mạng lưới vận chuyển, tuyến đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc đã được vận hành hiệu quả, trở thành dịch vụ logistics tiện lợi, an toàn, ổn định với giá cả hợp lý; thời gian khai thác từ ga Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) đến ga An Viên (Việt Nam) chỉ còn dưới 16,5 giờ, đạt mục tiêu khởi hành, thông quan và đến trong ngày, hiệu quả vận tải tăng 65% so trước đây.