Văn miếu Xích Đằng-Biểu tượng tự hào đất học Phố Hiến

Văn miếu Xích Đằng được biết đến là một di tích quan trọng thuộc quần thể di tích Phố Hiến, tại phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên (Hưng Yên). Với gần 400 năm tồn tại, ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam thượng, Văn miếu Xích Đằng đã trở thành biểu tượng cho nền văn hiến và tinh thần hiếu học của mảnh đất Phố Hiến khi xưa.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xin chữ đầu xuân tại Văn miếu Xích Đằng. (Ảnh Minh Quang)
Người dân xin chữ đầu xuân tại Văn miếu Xích Đằng. (Ảnh Minh Quang)

Thế kỷ 17, để chấn hưng lại đạo Nho, triều đình nhà Lê đã cho thành lập nhiều trường học bên ngoài trường Quốc Tử Giám ở các trấn. Trấn Sơn Nam khi ấy gồm các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và một phần đất của Hà Nội và Hưng Yên. Văn miếu Sơn Nam (văn miếu Xích Đằng khi đó) được xây dựng vừa làm nơi để thờ tự các bậc hiền nho, vừa là nơi tổ chức các cuộc thi hương và sát hạch thí sinh đi dự kỳ thi hương. Sau nhiều biến chuyển trong việc chia tách lại địa lý các trấn dưới các triều Hậu Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn, Văn miếu Xích Đằng trở thành văn miếu của trấn Sơn Nam thượng và sau này là của tỉnh Hưng Yên. Cũng theo những gì được ghi chép lại trên quả chuông và khánh còn lưu giữ ở văn miếu, sở dĩ văn miếu Hưng Yên còn có tên là văn miếu Xích Đằng vì nó được xây dựng trên nền của chùa Nguyệt Đường, làng Xích Đằng, xã Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động xưa, nay là phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên.

Khuôn viên văn miếu rộng 6.000 m2, bao gồm các công trình kiến trúc: tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dãy tả-hữu vu, khu chính và khu tháp thờ. Tam quan Văn miếu xây dựng theo kiến trúc “chồng diêm hai tầng tám mái”. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng và còn được lấy làm biểu tượng tỉnh Hưng Yên. Khác với các văn miếu khác, chỉ riêng Văn miếu Xích Đằng có khánh đá và chuông đồng được đúc vào năm 1803 và 1804. Khu nội tự Văn miếu Xích Đằng được xây kiểu chữ Tam, gồm: tiền tế, trung từ và hậu cung, kiến trúc giống nhau theo kiểu vì kèo trụ trốn.

Khác với cách bài trí của các văn miếu khác, ở văn miếu Hưng Yên, tượng thầy giáo Chu Văn An được đặt thờ ngay ở phía giữa khu đại bái, còn tượng Đức Khổng Tử và các vị chư hiền nho gia được đặt thờ trong phần hậu cung. Điều này cho thấy sự kính trọng, vinh danh tấm lòng, đức độ người thầy lỗi lạc muôn đời của nền giáo dục Việt Nam mang tên Chu Văn An.

Hiện vật quý giá nhất trong văn miếu còn lưu giữ được đến ngày nay đó chính là chín tấm bia đá trong đó có tám tấm dựng năm Đồng Khánh 1888, và một tấm dựng năm Bảo Đại năm 1943. Trên chín tấm bia có ghi danh 161 vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam thượng xưa, trong đó có 138 vị ở Hưng Yên và 23 vị ở Thái Bình. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Văn miếu Xích Đằng là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của Trung ương, xứ ủy, Tỉnh ủy Hưng Yên. Văn miếu Xích Đằng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992.

Những năm qua, Văn miếu Xích Đằng trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách khi về với Phố Hiến. Những người con xứ nhãn hôm nay, không chỉ tự hào về truyền thống hiếu học của cha ông mà còn không ngừng phấn đấu để tiếp tục xây dựng quê hương Hưng Yên ngày càng giàu đẹp ■