Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) cho biết, lâu nay, nhiều người tỏ ra bi quan rằng văn chương hiện nay đang không có ai quan tâm, đoái hoài, nhưng sự thực, đội ngũ người trẻ viết văn chưa bao giờ thưa mỏng hay vắng thiếu. Bằng chứng là, trước mỗi kỳ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, Ban tổ chức đã phải rất vất vả trong việc chốt danh sách đại biểu trẻ được mời. Những gương mặt sáng giá trên mọi miền đất nước được đề cử qua nhiều kênh khác nhau rất đông.
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cũng phân tích, chưa cần phải làm cuộc tổng kiểm kê 5 năm, chỉ cần nhìn lướt vào những người trẻ có đầu sách nổi bật xuất bản gần đây (từ tháng 10/2020) cho đến thời điểm hiện tại cũng đủ hình dung về sự hiện diện của lực lượng trẻ và bút lực của họ ở cả văn xuôi, thơ, phê bình, văn học dịch. Nhà phê bình đề cập đến những cái tên như Nguyễn Dương Quỳnh, Phã Nguyện, Đinh Thành Trung, Triệu Hoàng Giang, Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Nam Thi, Lê Tuyết Lan, Nguyễn Hải Yến, Lý Hữu Lương, Văn Thành Lê, Võ Quốc Việt, Nguyễn Bình, Hà Linh, Lê Hải Đoàn… Lực lượng viết trẻ rất đa dạng, “bao sân chiếm sóng” ở nhiều ngôn ngữ, từ tiếng Việt đến tiếng Anh; nhiều loại hình, từ phi hư cấu đến hư cấu; nhiều thể loại, từ ruyện ngắn, tiểu thuyết đến tản văn, từ thơ đến trường ca, từ phê bình chân dung đến phê bình hàn lâm, từ dịch xuôi đến dịch ngược, bút pháp từ truyền thống đến hiện đại và hậu hiện đại, đề tài từ lịch sử đến hiệu thời, từ người lao động đến lực lượng vũ trang, từ nông thôn đến đô thị, từ đồng bằng đến miền núi, từ hiện thực đến ngoài hiện thực…
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng lại đề cập đến những điều kiện, môi trường giúp cho văn học trẻ phát triển mạnh mẽ và rộng rãi như hiện nay. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất bản và thị trường sách, cùng với các hội chợ sách, ngày hội sách, là sự hưởng ứng của bạn đọc, của xã hội đối với văn hóa đọc, các sự kiện liên quan đến sách góp phần khích lệ các tác giả trẻ sáng tạo. Việc có thêm nhiều hình thức xuất bản hoặc liên kết xuất bản cũng giúp tác giả trẻ đưa tác phẩm ra thị trường nhanh chóng và dễ dàng hơn. Song hành cùng những điều kiện này là sự thuận lợi trong việc quảng bá, truyền thông, với sự hỗ trợ của báo chí, mạng xã hội…, giúp cho tác phẩm của các tác giả trẻ được biết đến sớm hơn, rộng rãi hơn trên báo chí, truyền thông, dư luận.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cũng nêu các hoạt động hướng tới người viết trẻ như các chuyến đi thực tế, trại sáng tác, các chương trình đọc, trình diễn thơ…, cũng như các giải thưởng tác giả trẻ… Các hoạt động như vậy cũng góp phần thu hút sự quan tâm của người viết trẻ nói chung và dư luận, giới nghề, đồng thời kết nối, cổ vũ, khích lệ đội ngũ các tác giả trẻ.
Không trực tiếp phát biểu, nhưng TS Đỗ Anh Vũ (Đài Tiếng nói Việt Nam) cũng đã đóng góp một góc nhìn về văn học trẻ hiện nay trong tham luận của mình. TS Đỗ Anh Vũ cho rằng, lớp tác giả trẻ (sinh từ 1986, 1987 trở đi) được lớn lên và trưởng thành trong điều kiện xã hội có nhiều khác biệt so với giai đoạn trước đó. Từ sau Đổi Mới (1986), văn chương Việt cũng được “tháo cũi sổ lồng”, phá tung mọi gò bó… Một lớp nhà văn mới được phát triển trong bối cảnh khá cởi mở…, hội nhập dễ dàng với các nền văn học phát triển trên thế giới, một kỷ nguyên công nghệ số với sự hỗ trợ đắc lực của interrnet, ngoại ngữ, trí tuệ nhân tạo…, làm rút ngắn lại nhiều khoảng cách. Những người viết trẻ ở cả hai khu vực sáng tác cơ bản là văn xuôi và thơ trong văn học viết đương đại đã cho một bức tranh khá đa dạng, nhiều sắc màu.
Theo TS Đỗ Anh Vũ, con đường đến với văn chương không dễ dàng, nhưng quan trọng là ở mỗi bạn trẻ có khát vọng dám sống và dám viết. Sự dấn thân ấy sẽ là ngọn nguồn để tạo ra những tiềm năng bùng nổ và hy vọng cho bạn đọc.