Văn hóa là điểm tựa tăng trưởng doanh nghiệp

Từ năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Với tầm quan trọng của vấn đề này, ngày 10/11 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 248/QĐ-TTg thành lập Ban tổ chức triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2018.
0:00 / 0:00
0:00

Từ cuộc vận động này đã hình thành một phong trào rộng khắp, là kim chỉ nam trong hoạt động của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh. Song với không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc xây dựng và hình thành văn hóa doanh nghiệp còn những hạn chế, trở ngại nhất định.

Văn hóa doanh nghiệp đang được xây dựng và vận hành gồm hai tiêu chí chủ yếu là đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Việc phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp cũng được xem là một trong những giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế đất nước trong giai đoạn sau dịch Covid-19.

Điều này đã được khẳng định mạnh mẽ trong thực tế hai năm chống chọi với đại dịch vừa qua. Những doanh nghiệp có nền tảng văn hóa mạnh có thể “sống chung” với đại dịch và vượt qua sóng gió để phục hồi và phát triển. Bên cạnh các doanh nghiệp lao đao, sản xuất đình trệ, doanh thu sụt giảm, thậm chí phá sản, nhiều doanh nghiệp nỗ lực vượt khó với sự chung tay của tập thể và nhận thức của từng cá nhân trong tuân thủ các quy định nội bộ hay quy định phòng, chống dịch của ngành y tế và địa phương; chủ động thích ứng, linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh như làm việc theo ca, làm việc trực tuyến, ba tại chỗ, một cung đường hai điểm đến, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ-thông tin trong sản xuất, cung ứng dịch vụ. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, thể hiện trách nhiệm với đơn vị, với cộng đồng đã được vận dụng trong hoạt động kinh doanh, gia tăng sức mạnh thương hiệu, đẩy mạnh và phát huy sức mạnh doanh nghiệp, đồng hành cùng quốc gia vượt qua đại dịch.

Có thể thấy, trong khó khăn dịch bệnh, văn hóa doanh nghiệp với nền tảng là niềm tin và sự đoàn kết đã giúp doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng và phát triển, thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động từ thiện, thiện nguyện; quan tâm chăm lo sức khỏe, chế độ cho người lao động; chung tay đóng góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng dịch Covid-19; xây dựng cây ATM gạo, trạm ATM ô-xy, siêu thị 0 đồng, hỗ trợ lương thực...

Thực tế cho thấy, văn hóa doanh nghiệp trở thành điểm tựa tạo đà cho tăng trưởng, phát triển kinh doanh, tuy nhiên chủ yếu chỉ tập trung tại các tập đoàn hoặc các công ty có bề dày phát triển, có quy mô và uy tín, thể hiện qua nhiều hoạt động... Còn ở phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp vẫn hạn chế, một phần do nhận thức, chưa coi văn hóa doanh nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp còn mải chạy theo lợi ích kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa chú trọng các giá trị đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Liễu, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh nhận định: Khái niệm văn hóa doanh nghiệp chưa được nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rõ, thấu đáo. Cũng vì vậy, họ chưa biết cách làm như thế nào để triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, do đó không có một kế hoạch rõ ràng, cụ thể.

Theo các chuyên gia và nhà nghiên cứu, việc lan tỏa thông điệp tích cực và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của văn hóa doanh nghiệp, chính là điểm tựa giúp các đơn vị tạo lập những giá trị phát triển bền vững, song không thể để doanh nghiệp “đơn thương độc mã” tự mày mò làm manh mún, tản mạn. Có thể thấy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân không phải câu chuyện của riêng doanh nghiệp mà cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý, hiệp hội liên quan doanh nghiệp các tỉnh, thành phố.

Để văn hóa doanh nghiệp phát huy tốt hơn sức mạnh và hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của người lao động, nhất là chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng, sự cần thiết và lợi ích của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát. Doanh nghiệp nên xây dựng những mô hình văn hóa đơn vị phù hợp chiến lược và những giá trị cốt lõi riêng.

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền những chương trình, sự kiện để phổ biến, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; thực hiện thường xuyên các tọa đàm, hội thảo về phát triển và xây dựng tiêu chí văn hóa doanh nghiệp; tôn vinh kịp thời các công ty, đơn vị có thành tích xây dựng và phát huy tốt văn hóa doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội.