Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với văn hóa đọc?

Thiếu không gian, hiếm phong trào, không có động lực và cả những đầu sách phù hợp…, quá nhiều nguyên nhân khiến người lao động tại các doanh nghiệp chưa mặn mà với sách. Nếu việc này không sớm được khắc phục, cả người lao động và doanh nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi tiếp cận tri thức mới, cạnh tranh kỹ năng, nghiệp vụ.

Người lao động cần được tạo điều kiện để gắn kết với sách hơn.
Người lao động cần được tạo điều kiện để gắn kết với sách hơn.

Đừng để người lao động “làm ngơ” 

Lập hẳn KPI (chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động) cho từng nhân sự, quản lý các phòng, ban trong mục “Học tập và phát triển” là cách mà Công ty New Toyo (Việt Nam) đã làm suốt thời gian dài để tạo động lực đọc sách cho người lao động. 

Mỗi năm, một phòng ban được yêu cầu tự chọn và hoàn tất việc đọc bốn đầu sách. Riêng nhân sự thuộc cấp độ quản lý phải đọc thêm bốn đầu sách khác. Công nhân chủ yếu làm việc theo ca, New Toyo không đủ điều kiện tổ chức các giờ đọc sách tại doanh nghiệp cho người lao động. Vậy nên, đơn vị này khuyến khích nhân sự mượn sách về nhà đọc. Ba tháng một lần, công ty sẽ tổ chức “review sách” tại không gian mở, thường là Đường sách TP Hồ Chí Minh nhằm tạo thêm hứng khởi cho người lao động.

Từ tháng 7/2021, doanh nghiệp này đã đăng ký mua gói sách nói dành tặng các quản lý phòng ban, giúp họ tận dụng tốt một giờ đồng hồ di chuyển đi-về giữa nhà máy với công ty cho việc đọc sách bằng công nghệ. “Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc thiết kế những gói quà sách công nghệ dành tặng khách hàng VIP của công ty trong thời gian tới. Muốn phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp, lãnh đạo phải định hướng rõ đây là điều quan trọng và truyền thông để người lao động thấy được sách giúp ích trong việc tiếp cận tri thức, giá trị sống. Cần có kế hoạch, chính sách cụ thể để đẩy mạnh sự phát triển của văn hóa đọc”, bà Nhan Húc Quân - Tổng Giám đốc Công ty New Toyo (Việt Nam) cho hay.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phong trào đọc sách tại phần lớn các doanh nghiệp hiện vẫn chưa phát triển xứng tầm. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, người sáng lập Công ty Sbooks, đơn vị đầu tư nhiều cho mảng sách doanh nhân-khởi nghiệp, không ít rào cản khiến người lao động thiếu động lực tìm đến sách. Đa phần doanh nghiệp vẫn còn trong tình trạng thiếu các đầu sách thật sự phù hợp nhu cầu tìm hiểu của người lao động. Doanh nghiệp có mua, thậm chí có nơi mua khá nhiều nhưng chưa biết lựa các thư mục đáp ứng đúng nguyện vọng người đọc. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa thiết kế được không gian và có khoảng thời gian hợp lý cho người lao động tiếp cận sách. Chính hai điều này dẫn đến sự thiếu kết nối giữa người lao động với sách. Khi động lực không đủ lớn, doanh nghiệp chẳng có phong trào, người lao động “ngó lơ” sách là điều dễ hiểu.

Kéo người lao động về phía sách

Ông Dũng cho rằng, doanh nghiệp phải tạo cho được động lực đọc sách với từng cá nhân, rồi đến nhóm nhỏ, phòng ban. “Cần xây dựng phong trào đọc sách cho người lao động với khung thời gian hợp lý và không gian chất lượng. Cần tạo được phong trào hiệu quả để người lao động thích thú đọc sách. Cần có các hoạt động kết nối, giúp người lao động trình bày, ứng dụng các kiến thức tiếp cận từ sách. Từ phong trào tốt sẽ có trào lưu tốt rồi hình thành thói quen, văn hóa đọc, đây là chặng đường dài”, ông Dũng gợi ý.

Sau gần 20 năm tham gia thị trường sách phục vụ doanh nhân, doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sách Alpha và Omega Việt Nam cho biết, hiện nay sách cho lĩnh vực này rất đa dạng, vấn đề là làm sao để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả. Tại sao một đầu sách quản trị xuất bản được từ 3.000-5.000 bản trong khi một video hướng dẫn quản trị hấp dẫn có khi thu hút đến cả triệu lượt xem. Nhu cầu của doanh nghiệp là có, cần tìm cách kết nối các yếu tố để tạo ra một hệ sinh thái phát triển văn hóa đọc tại những cộng đồng này. 

Theo ông Bình, cần có tủ sách chất lượng với những cuốn sách hay và cốt lõi nhất về lãnh đạo, kinh doanh, kỹ năng làm việc, các cuốn sách tinh thần, bài học khởi nghiệp của những tác giả là những nhà sáng lập nổi tiếng trên thế giới… Tủ sách này cần được phát triển từ bản cứng đến bản mềm thông qua số hóa để người lao động có thể đọc mọi lúc mọi nơi. Không gian và môi trường đọc sách cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Chọn sách hay mà không tổ chức được các hoạt động kết nối, kích thích người lao động tham gia chia sẻ kiến thức bổ ích từ sách, giao lưu với nhau thì mọi thứ sẽ không đi đến đâu. Ông Bình đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục hình thành, phát triển các giải thưởng, hoạt động hỗ trợ, kích thích việc đọc trong doanh nghiệp từ cộng đồng như vinh danh những tổ chức học tập hay doanh nhân truyền cảm hứng…

Theo đại diện Công ty cổ phần Văn hóa Huy Hoàng, các đơn vị làm sách cần đầu tư nhiều hơn trong việc đưa sản phẩm của mình đến gần người lao động. Sách cần chất lượng, phù hợp nhu cầu độc giả tại khối doanh nghiệp. Nên tính đến phương án làm sách điện tử, audio phù hợp nhịp sống nhanh và tiện lợi cho người dùng. Sự cải tiến công nghệ, định dạng tiện cho người đọc sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm đọc của họ, nhất là những người bận rộn tại các doanh nghiệp