Vận động nhân dân tham gia các hoạt động ở khu dân cư

Hoạt động của người dân ở các khu dân cư luôn là một trong những nội dung quan trọng được cấp ủy, chính quyền, nhất là Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm bởi có tác động trực tiếp tới cuộc sống của người dân và tình hình an ninh, trật tự tại cơ sở. Thời gian qua, đã có những mô hình hoạt động tại khu dân cư được người dân quan tâm, hưởng ứng bởi liên quan mật thiết tới chất lượng cuộc sống, trong đó đáng chú ý là các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: HỮU NGHĨA
Ảnh: HỮU NGHĨA

Những mô hình thu hút nhân dân tham gia

Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc một số tỉnh, thành phố, những hoạt động tại các khu dân cư luôn được quan tâm tổ chức, phát triển, với một trong những mục tiêu trọng tâm là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ðây được coi là "chìa khóa" quan trọng để mở rộng hơn nữa đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức dân. Vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Phú An (huyện Ðak Pơ, tỉnh Gia Lai) phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức ra mắt mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" tại thôn An Phú. Mô hình được thành lập nhằm tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; cung cấp thông tin, phản ánh và kiến nghị kịp thời các hành vi vi phạm của các tổ chức cá nhân về bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải ở cộng đồng khu dân cư...

Tại huyện Ðầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, từ thực trạng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, huyện đã triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải, ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình.Theo số liệu của UBND huyện Ðầm Hà, tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình phát sinh hằng năm trên địa bàn huyện là gần 13 nghìn tấn. Hiện nay, chỉ có một phần nhỏ rác thải sinh hoạt được phân loại, thu gom tái chế, còn lại là rác thải chưa được phân loại ngay tại nguồn... Chính vì vậy, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm. Trong đó, hội phụ nữ các cấp đóng vai trò nòng cốt trong công tác vệ sinh môi trường, nhất là triển khai mô hình hố ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh cho hội viên và nhân dân trên địa bàn. Từ tháng 5 năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tổ chức lớp tập huấn cho 600 cán bộ, hội viên phụ nữ tại chín xã, thị trấn trong toàn huyện để triển khai mô hình hố ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh. Các cán bộ, hội viên và nhân dân được giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam truyền đạt về cách phân loại rác thải sinh hoạt và phương pháp làm men vi sinh xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ theo quy mô hộ gia đình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau khi tập huấn, hằng tuần Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cùng các chuyên gia trực tiếp xuống từng cơ sở hội, chi hội phụ nữ tại các xã để hướng dẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc, từ xây hố rác, cách phân loại xử lý rác, rắc men vi sinh theo tiêu chuẩn đạt hiệu quả nhất.

Xác định việc giữ gìn vệ sinh môi trường phụ thuộc rất lớn vào mỗi người dân, vào ý thức, thói quen sinh hoạt của nhân dân nên công tác tuyên truyền được lãnh đạo thị trấn Hùng Sơn, huyện Ðại Từ (Thái Nguyên) đặt lên hàng đầu. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, khu dân cư tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua các hội nghị, họp tổ dân phố, sinh hoạt của các hội, đoàn thể, phát tờ rơi... Mỗi tổ chức hội có cách làm sáng tạo, thiết thực trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Ðể thay đổi thói quen vứt lẫn lộn các loại rác thải, Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Trung Hòa đã xây dựng mô hình "Phân loại rác thải, thu gom phế liệu gây quỹ hội, góp phần chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường". Mô hình gồm 30 thành viên, có nhiệm vụ định kỳ vào ngày 20 hằng tháng thực hiện tổng vệ sinh, thu gom phế liệu mang đến tập kết tại Nhà văn hóa tổ dân phố để phân loại, rồi bán lấy tiền xây dựng quỹ hội. Hội Cựu chiến binh, Ðoàn Thanh niên, Hội Nông dân thị trấn… đều có cách làm riêng, như: Thành lập tổ vệ sinh, phát động ngày vệ sinh môi trường…

Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp

Ðể người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động cụ thể, thiết thực tại khu dân cư, trong đó có các hoạt động bảo vệ môi trường, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền thì vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhất là Ban công tác Mặt trận có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu được. Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tổ chức để nhân dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và các hoạt động liên quan đời sống người dân nói riêng. Trong công tác bảo vệ môi trường, các Ban công tác Mặt trận cùng các đoàn thể ở khu dân cư đã tích cực phối hợp trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố, các tổ chức hội, đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân; trực tiếp tham gia giải quyết những vướng mắc nảy sinh ở địa bàn dân cư; thu thập, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân với cấp ủy, chính quyền và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Thực tế cho thấy, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả không chỉ các chương trình bảo vệ môi trường mà còn có nhiều hoạt động thi đua yêu nước, các cuộc vận động khác.

Nhiều trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố cùng chung nhận định: Người dân luôn sẵn sàng, chủ động đóng góp, cống hiến, ủng hộ đối với những hoạt động, chương trình cụ thể, gắn chặt với cuộc sống hằng ngày, có tác động tới quá trình phát triển kinh tế địa phương, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân. Không chỉ đối với các hoạt động có nội dung về môi trường sống, đối với các hoạt động về bảo đảm an ninh, trật tự, về ủng hộ người nghèo, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam... luôn được nhân dân hưởng ứng, tham gia với tinh thần và trách nhiệm cao.

Ðiều đó đặt ra những nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhất là Ban công tác Mặt trận các khu dân cư trong việc tham gia vận động, tuyên truyền trong nhân dân. Ðể tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, của chính quyền, sự phối hợp giữa Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể từ xã, đến cấp thôn/tổ. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đồng hành của chi bộ thôn, tổ dân phố đối với hoạt động của Ban công tác Mặt trận. Thường xuyên kiện toàn Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, trong đó chú trọng thành phần là người có uy tín tiêu biểu, người có thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác hướng dẫn hoạt động, thường xuyên tập huấn cho trưởng ban và các thành viên Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Ban công tác cần chú trọng xây dựng quy chế hoạt động, với sự phân công cụ thể cho các thành viên; chú trọng triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tích cực của các tập thể, cá nhân điển hình, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo; động viên mỗi cá nhân, từng gia đình trong phong trào tự quản và tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống.