Mới nhất, tại Phiên giải trình "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức với sự tham gia đông đảo của các bộ, ngành, địa phương, có một thực tế đã bộc lộ: Trong quy hoạch tỉnh của một số địa phương đã được phê duyệt, quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đề cập khác nhau, chưa bảo đảm sự đồng bộ, toàn diện, cân đối giữa các lĩnh vực văn hóa, thể thao. Một số tỉnh chỉ quy hoạch một số môn thể thao, hoặc về lĩnh vực văn hóa chủ yếu đề cập đến sự phát triển của các di tích, di sản…
Liên quan đến hệ thống văn bản pháp lý, quy định về các loại hình thiết chế văn hóa, thể thao còn quy định tản mát ở nhiều văn bản khác nhau: một số thiết chế được quy định tại luật; một số thiết chế chỉ quy định tại nghị định của Chính phủ, hiệu lực pháp lý thấp; một số thiết chế quy định tại quyết định của Thủ tướng, thông tư của Bộ trưởng; một số thiết chế chưa được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật… tình trạng này gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện của các loại hình thiết chế văn hóa, thể thao.
Vấn đề là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến đến tháng 2/2024 mới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Trong khi đó, nhiều quy hoạch tổng thể của vùng, địa phương đã được công bố thời gian gần đây. Như vậy, Quy hoạch mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng sẽ còn dư địa hẹp để điều chỉnh.
Song, dẫu vậy, thì hệ thống thiết chế văn hóa vẫn có thể được xem là may mắn, vì được tiến hành quy hoạch theo các bước bài bản và ít nhiều có sự liên thông với quy hoạch các địa phương. Trong khi, một vấn đề vẫn đang gây nhức nhối với nhiều chuyên gia văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, là việc quy hoạch, sáp nhập các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tại các địa phương vốn đã và đang được tiến hành từ nhiều năm nay.
Bên cạnh một số địa phương gom tất cả các đoàn nghệ thuật vào một đầu mối, thành lập mô hình nhà hát nghệ thuật tổng hợp, được nhiều lãnh đạo ngành văn hóa địa phương cho là thay đổi tích cực, bởi có thể huy động nghệ sĩ các loại hình cho những chương trình nghệ thuật lớn, thì từ góc nhìn của các chuyên gia, mô hình này đang khiến cho các đoàn nghệ thuật bị nghiệp dư hóa nhanh chóng.
Một cách làm khác, là chỉ ưu tiên giữ loại hình đặc trưng của địa phương, và giải thể các đơn vị nghệ thuật khác cũng đang để lại nhiều tiếc nuối, khi có những thương hiệu nghệ thuật được gìn giữ suốt mấy chục năm, và có thế mạnh phù hợp thị hiếu hiện đại lại không được đầu tư gìn giữ.
Và, điều đáng nói hơn cả, là các chương trình sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tại các địa phương được tiến hành hoàn toàn không có sự tham vấn từ phía cơ quan chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong lĩnh vực giáo dục, ngày 19/10/2022, tại Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng chỉ ra thực tế: "Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả 2 điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm: Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ghi rõ, trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để triển khai thuộc về chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Cần có trường, lớp, có trang thiết bị, dụng cụ dạy học; đủ giáo viên, còn giáo viên trình độ như thế nào thì ngành giáo dục-đào tạo lo; các tỉnh, thành phố phải tính toán cần bao nhiêu tiền để mua sắm trang thiết bị. Nếu ngân sách địa phương cân đối được thì cân đối, nếu không thì đề nghị Trung ương hỗ trợ. Nhưng hằng năm các địa phương làm việc với Trung ương về ngân sách thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không được biết, việc các tỉnh, thành phố làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan phê duyệt ngành giáo dục-đào tạo không biết được là tiền ấy phân bổ như thế nào, nơi nào thiếu, nơi nào thừa.
Rõ ràng, sự thiếu liên thông và vai trò tham vấn cần thiết từ các cơ quan chuyên ngành đã gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực. Bởi vậy, đã đến lúc cần rà soát lại các quy định hiện hành, để các "nhạc trưởng ngành" được trao "chiếc đũa" chỉ huy đúng nghĩa trong lĩnh vực mà mình phụ trách.