Việc bảo đảm an toàn giao thông cho người ngồi trên xe máy, xe mô tô cần nhiều yếu tố, và mũ bảo hiểm được coi là một trong những giải pháp chi phí thấp, an toàn và hiệu quả. Mặc dù vậy, vẫn còn một tỷ lệ khá lớn người đi mô tô, xe máy sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.
Xe máy là phương tiện phổ biến
Tính đến thời điểm năm 2022, nước ta có khoảng 70 triệu mô tô, xe máy và 1.8 triệu xe máy điện được đăng ký, theo tính toán mức tăng trưởng số lượng mô tô, xe máy, xe đạp, xe máy điện hằng năm ở mức 6-7%.
“Xe máy vẫn là phương tiện đi lại phổ biến của phần lớn người dân và theo nhiều nghiên cứu cũng cho thấy đây tiếp tục là phương tiện phổ biến trong tương lai 5-10 năm tới, thậm chí xa hơn. Cần phải nói thêm, xe máy liên quan tới 70% số vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam. Thực tế này đặt ra những đòi hỏi cần có những giải pháp toàn diện nâng cao an toàn giao thông cho người đi xe máy, trong đó có việc thực thi tốt chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi trên mô tô xe máy”, TS Trần Hữu Minh nhận định.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ giả mạo mũ bảo hiểm (mũ lưỡi trai nhựa) khá cao, trung bình khoảng 20% trên cả nước, tại một số thành phố lớn như Hà Nội thậm chí tới 40% (số liệu dựa trên 2,5 triệu quan sát thực tế người tham gia giao thông trên toàn quốc). Đặc biệt tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên sáu tuổi ngồi trên mô tô xe máy còn thấp (60-80%), trong khi đây là đối tượng dễ bị tổn thương.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra, đội mũ bảo hiểm chất lượng tốt có thể làm giảm 69% chấn thương sọ não và giảm 42% khả năng tử vong đối với người ngồi trên mô tô xe máy khi xảy ra va chạm giao thông. Những người không đội mũ bảo hiểm sẽ có rủi ro gặp chấn thương nặng và tử vong cao gấp 3 lần so với người đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. WHO khuyến cáo tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nên xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp năng lực của nhà sản xuất, chi phí và điều kiện khí hậu.
Theo kết quả nghiên cứu về chất lượng mũ bảo hiểm do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp Trường đại học Y tế công cộng thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên cho thấy, 89,5% số mũ bảo hiểm được khảo sát không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chỉ 10,5% số mũ được khảo sát đạt tiêu chuẩn đối với thử nghiệm va đập. Điều đáng chú ý, 25,7% số mũ được chọn khảo sát là loại mũ “lưỡi trai”, không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng nên không được xem là mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn QCVN2: 2008/BKHCN (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy).
“Do đó, cần thường xuyên, liên tục thực hiện các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho người đi xe máy là việc làm rất thiết thực”, TS Trần Hữu Minh khẳng định và đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, giám sát để xử lý phù hợp, hình thành quy trình xử lý chuẩn hướng dẫn cho các lực lượng địa phương triển khai.
Nâng tỷ lệ sử dụng mũ đạt chuẩn
Nhằm khắc phục những bất cập liên quan thực hiện chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, nâng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên phối hợp Quỹ AIP xây dựng và thực hiện kế hoạch tăng cường áp dụng quy định sử dụng mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đây là một trong những hợp phần của dự án Hành trang an toàn do Quỹ từ thiện UPS tài trợ, thực hiện tại Thái Nguyên trong năm 2022.
Cảnh sát giao thông xử lý người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. |
Với sự tài trợ của Quỹ UPS, dự án Hành trang an toàn được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên. Tính từ năm 2017, dự án đã trao tặng gần 8.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn và tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục học sinh tiểu học đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đúng cách tại Thái Nguyên.
Trong thời gian qua, Thái Nguyên có nhiều giải pháp, kế hoạch nâng cao an toàn giao thông cho người dân rất hiệu quả, nhiều mô hình hay để nhân rộng, phổ biến mô hình cho các địa phương khác trong cả nước. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên Nguyễn Quang Vinh cho hay, tính đến tháng 9 vừa qua, trên địa bàn tỉnh có hơn 830 nghìn mô tô xe máy và gần 37.000 xe đạp, xe máy điện đã được đăng ký và tiếp tục có xu hướng tăng. Theo thống kê, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ gần 50%.
“Tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; trong đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định, cũng như kết hợp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Để kế hoạch thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh đạt mục tiêu và hiệu quả, ông Minh đề nghị Quỹ AIP tiếp tục quan tâm, tài trợ và phối hợp Ban An toàn giao thông Thái Nguyên thực hiện tốt chương trình đã đặt ra. Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện tốt kế hoạch, với mục tiêu phấn đấu nâng cao tỷ lệ người dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng trên địa bàn tỉnh đạt từ 90% trở lên theo Đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”.
Bà Hoàng Thị Na Hương, Phó Tổng Giám đốc Quỹ AIP khẳng định: “Mặc dù Việt Nam được coi là một quốc gia thành công trong thực thi quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người ngồi trên mô tô, xe máy, với tỷ lệ người đi xe máy đội mũ khá cao trên cả nước nhưng vấn đề một số người dân đối phó, đội mũ bảo hiểm kém chất lượng chính là vấn đề cần được giải quyết. Ngoài ra, tình trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, mũ bảo hiểm giả, mũ không phải mũ bảo hiểm còn khá phổ biến, cần được các lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời”.
Hiện nay, Quỹ AIP đang phối hợp các chuyên gia quốc tế nghiên cứu, cho ra đời loại mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn châu Âu ECE 22.06 và tiêu chuẩn QCVN2:2008/BKHCN. Điều này nhằm tìm ra loại mũ phù hợp và bảo đảm cân đối về giá cả cũng như sự an toàn, thuận tiện cho người dân. Hiện Quỹ AIP đang thực hiện chương trình thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đồng thời hy vọng sẽ thành công trong việc thay đổi thói quen của người dân trong việc lựa chọn mũ bảo hiểm đạt chuẩn để mang lại sự an toàn cho bản thân.