Vai trò lãnh đạo then chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam

“Trong tiến trình đổi mới đất nước đang diễn ra, Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo then chốt đối với sự phát triển tương lai của Việt Nam” - đó là nhận định của chuyên gia Layton Pike, thành viên Ban Cố vấn của Viện Chính sách Australia - Việt Nam, trong cuộc trao đổi với TTXVN. Chuyên gia Layton Pike cho rằng bằng cách hợp nhất các bộ, giảm tình trạng dư thừa và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, Việt Nam đang thực hiện những bước quan trọng để xây dựng một chính phủ minh bạch và hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).
Tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).

Đặc biệt, quá trình này diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi Việt Nam đang mở rộng vai trò là một nhà lãnh đạo khu vực và tăng cường quan hệ với các đối tác toàn cầu, trong đó có Australia, thông qua quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Australia-Việt Nam được ký kết năm 2024. Các cải cách sẽ hỗ trợ một môi trường kinh doanh ổn định. Đây là điều rất cần thiết để thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao và thúc đẩy hợp tác song phương và khu vực.

Theo nhận định của chuyên gia Layton Pike, việc Việt Nam liên kết các cải cách quản trị với các mục tiêu phát triển bền vững là minh chứng cho cam kết hiện đại hóa, trong khi vẫn duy trì ổn định chính trị. Những nỗ lực này sẽ củng cố khuôn khổ quản trị nội bộ của Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác năng động ở Đông Nam Á.

Bình luận về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và chủ trương tinh giản bộ máy ở chính quyền Việt Nam, chuyên gia Layton Pike cho rằng, đây là những trụ cột quan trọng để tăng cường quản trị và thúc đẩy phát triển bền vững. Những nỗ lực này thể hiện cam kết vững chắc của Việt Nam trong việc xây dựng một chính quyền minh bạch và có trách nhiệm, tạo dựng lòng tin và sự tín nhiệm trong công chúng, các nhà đầu tư và đối tác quốc tế.

Theo chuyên gia Layton Pike, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên tăng trưởng chuyển đổi với các mục tiêu về hiện đại hóa kinh tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra tầm nhìn chuyển đổi đất nước thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, tập trung mạnh vào đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Hiện đại hóa kinh tế, bao gồm việc chuyển sang các ngành công nghiệp có giá trị cao và nền kinh tế tri thức, sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như sản xuất tiên tiến, chuyển giao công nghệ và giáo dục.